Thăm dò ý kiến
  • Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?   Phong phú đa dạng
      Dễ sử dụng
      Hữu ích
TỔNG SỐ LƯỢT TRUY CẬP
 Bản in     Gởi bài viết  
Người con dân tộc Vân Kiều gieo mầm phong trào Chữ thập đỏ trên đất khó - Tác phẩm đạt giải Nhì cuộc thi viết “Sáng mãi những tấm lòng nhân đạo” cấp tỉnh 

 Xuất thân là người con dân tộc Bru - Vân Kiều, sống ở bản Cẩm Ly xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, ông Hồ Nhanh được mọi người biết đến bởi vừa giỏi làm ăn kinh tế vừa là một Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã xuất sắc ở vùng miền núi rẻo cao của huyện Lệ Thủy.

 Ông có 6 người con, trong đó có 1 cậu con trai bị dị tật bẩm sinh. Cũng như những gia đình Vân Kiều khác, con đông nên việc kiếm đủ cái ăn, cái mặc rất khó khăn vất vả. Với mong muốn nuôi các con ăn học, ông Hồ Nhanh đã cùng vợ lao động miệt mài bằng nhiều công việc như làm nương rẫy, chăn nuôi, đào ao thả cá, đi rừng săn bắn, lấy mật ong.... Nhờ siêng năng, cần mẫn, sớm tiếp cận phương pháp sản xuất trồng trọt, chăn nuôi mới nên ông được biết đến như một tấm gương sáng về phát triển kinh tế hộ gia đình của xã Ngân Thủy.
Năm 2002, khi Hội Chữ thập đỏ xã Ngân Thủy đi vào hoạt động, ông Hồ Nhanh được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội. Trong suốt quá trình công tác, ông luôn dành tất cả tình cảm, tâm huyết cho các hoạt động từ thiện nhân đạo tại địa phương. Ông gắn bó, thân thuộc với người dân từ bản gần như Cẩm Ly, Cửa Mẹc đến bản xa như Hang Còi, Rào Đá ... ở đâu có đối tượng gặp khó khăn hoạn nạn là ông đến thăm hỏi, động viên.

Sinh ra và lớn lên tại xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Lệ Thủy, nơi phần lớn đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều sinh sống, nơi mà mỗi lần nhắc tới mọi người phải ái ngại vì tuyến đường 10 hoang sơ, hiểm trở; nơi mà trẻ em ít được đi học bởi cha mẹ chúng cần người phụ giúp nương rẫy, củi bếp; nơi mà nhiều hộ dân còn ăn cơm với muối ớt... Hồ Nhanh hiểu rõ hơn ai hết về núi rừng và những khó
khăn vất vả của con người nơi đây. Ông đã rất trăn trở khi muốn thực hiện phong trào Chữ thập đỏ tại miền đất mà điều kiện kinh tế khó khăn, phương tiện đi lại thiếu thốn, phương tiện truyền thông duy nhất là chỉ có đến tận nơi nói cho họ nghe, làm cho họ thấy vì phần lớn đồng bào không biết chữ. Ông đã dành nhiều thời gian để tuyên truyền về Hội Chữ thập đỏ, ông đến gặp gỡ liên hệ với các doanh nghiệp đóng trên địa bàn và huy động sự hỗ trợ của con em địa phương đi làm ăn xa để giúp cho đồng bào khi hoạn nạn, hỗ trợ cho trẻ em có cơ hội được đến trường học lấy cái chữ với hi vọng thoát nghèo. Năm 2010, cô con gái của ông là Hồ Thị Danh tốt nghiệp Đại học Y dược Huế đã kiên quyết trở về quê hương để công tác tại trạm Y tế xã với mong muốn giúp đỡ bà con dân bản cho dù có nhiều sự lựa chọn tốt hơn cho sự nghiệp của cô. Rồi lần lượt, 4 đứa em của cô đã tốt nghiệp Đại học và có việc làm ổn định; cậu em trai Hồ Khỏe bị khuyết tật cũng đã học xong THPT về cùng cha trồng trọt, chăn nuôi. Chính con cái đã hỗ trợ ông Hồ Nhanh rất nhiều trong hoạt động Hội. Quyết tâm của các con là động lực thúc đẩy niềm đam mê công tác Hội của ông, ông như được tiếp sức để đến với các gia đình, các đối tượng cần sự trợ giúp.
Là xã miền núi rẻo cao, điều kiện sinh sống của đồng bào còn quá thiếu thốn, đối tượng cần trợ giúp nhiều, ông Nhanh đã chú trọng công tác phát triển tổ chức Hội, xây dựng mô hình Liên gia đình giúp nhau. Ông đã vận động lực lượng nòng cốt của UBND xã, trạm Y tế, các trường đóng trên địa bàn, các già làng, trưởng bản tham gia vào tổ chức Hội Chữ thập đỏ. Lúc đầu Hội CTĐ xã chỉ có 20 hội viên, đến nay đã có 327 hội viên/512 hộ thuộc 6 thôn, bản và 3 trường học tham gia vào tổ chức Hội. Cũng từ đây, ông đã thành công từ các phong trào, các cuộc vận động của Hội Chữ thập đỏ phát động. Những việc làm của ông thực sự có ý nghĩa với cộng đồng và thu hút được nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia; được lãnh đạo xã và đồng bào ghi nhận.
Hưởng ứng Cuộc vận động "Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo" do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động, ông đã bám sát địa bàn, khảo sát đối tượng đặc biệt khó khăn để đề nghị các tổ chức, cá nhân nhận trợ giúp. Với tinh thần trách nhiệm cao, ông đã nhanh chóng lập hồ sơ 46 đối tượng, đến nay có 18 địa chỉ được ông kêu gọi trợ giúp đã vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Ông Nhanh tâm sự: "Khi mới thực hiện Cuộc vận động này bản thân tôi gặp rất nhiều khó khăn do cán bộ Hội còn ít người; địa bàn hiểm trở; công ty, doanh xí nghiệp đóng trên địa bàn thì tôi chỉ biết chứ chưa có mối quan hệ thân thiết gì. Nhờ sự động viên, hỗ trợ của lãnh đạo xã và nhờ mối quan hệ của gia đình; nghĩ đến sự mong đợi của các đối tượng đang gặp bất hạnh, bản thân tôi đã mạnh dạn đi đến từng cơ quan, đơn vị như Đoàn kinh tế quốc phòng 79, Công ty Cao su Lệ Ninh, Công ty Hưng Văn Trường, Công ty Khánh Huyền...để vận động ủng hộ. Sau khi nghe tôi trình bày về mục đích việc tôi đến đây, hầu hết các đơn vị cũng đã biết đến Hội Chữ thập đỏ và những mảnh đời bất hạnh tại địa bàn đang cần trợ giúp nên sẵn sàng nhận địa chỉ để giúp đỡ tùy theo mô hình, khả năng của doanh nghiệp. Nhờ vậy nhiều hộ gia đình đã ổn định được cuộc sống, nhiều trẻ em đã tiếp tục quay lại trường học kiếm cái chữ từ Cuộc vận động này".
Cứ Tết đến xuân về, với mong muốn không để nhà nào không có Tết, ngoài những đơn vị quen thuộc mà ông đến vận động, ông còn viết thư kêu gọi con em quê hương làm ăn trên mọi miền tổ quốc ủng hộ phong trào "Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam". Số tiền vận động mỗi năm lên tới vài chục triệu đồng, con số không lớn so với các xã đồng bằng nhưng thật đáng kể đối với một xã miền núi rẻo cao như Ngân Thủy. Điều đáng nói ở đây là lòng tâm huyết, là tinh thần làm việc hăng say của ông Hồ Nhanh - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã với đồng bào nghèo.
Năm 2015, khi được biết Hội Chữ thập đỏ huyện chọn địa bàn xã Ngân Thủy giới thiệu cho tổ chức Vision Care (Hàn Quốc) đến khám chữa bệnh nhân đạo, ông Hồ Nhanh vô cùng phấn khởi. Khi có lịch khám bệnh tại xã, ông đã cùng các tình nguyện viên Chữ thập đỏ xã đi đến từng bản vận động, thuyết phục bà con đi khám sức khỏe. Có những cụ già, phụ nữ khi được khám, được siêu âm, được tư vấn sức khỏe đã rất vui mừng, cảm động. "Nhìn thấy ông Nhanh tất bật chào đón bà con, chỉ chỗ ngồi chờ, hướng dẫn bà con tận tình chu đáo; họ nói với nhau bằng tiếng Vân Kiều, tôi chẳng hiểu gì nhưng nhìn cử chỉ, cách họ nói chuyện tôi cảm thấy bà con quý ông Nhanh lắm, một tình cảm rất chân thành" - đó là lời chị Lý tình nguyện viên Đoàn Vision care nói khi chứng kiến tinh thần làm việc của ông Nhanh. Trao đổi với đoàn Vision Care, ông Nhanh nói: " Với người đồng bằng khi đau ốm dễ dàng đến bệnh viện, còn với đồng bào dân tộc Vân Kiều chúng tôi chủ yếu là người nghèo, không có điều kiện đi viện, đau nhẹ thì tự ăn lá lay của rừng, đau nặng thì tìm thầy lang chữa trị tại nhà, thậm chí cúng bái đuổi ma. Cũng chỉ tại cái đường đi đến trạm xá vừa xa vừa cách trở núi rừng, suối đèo. Hôm nay trăm sự nhờ Đoàn khám và tư vấn cho bà con. Nếu họ đem con cháu đi theo thì nhờ các bác sỹ khám và tư vấn luôn cho họ với". Buổi khám bệnh đã thành công tốt đẹp nhờ sự chuẩn bị chu đáo của Hội Chữ thập đỏ xã, và ông Chủ tịch Hội CTĐ xã đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng các tình nguyện viên của Đoàn Vision care.
Với những hoạt động và đóng góp cho phong trào nhân đạo, từ thiện tại địa phương, ông Hồ Nhanh vinh dự được nhận nhiều Bằng khen của Trung ương Hội, Giấy khen của tỉnh Hội Quảng Bình và UBND huyện Lệ Thủy. Năm 2015, ông được BCH Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp nhân đạo", phần thưởng cao quý dành cho người con dân tộc Vân Kiều có công gieo mầm phong trào Chữ thập đỏ trên miền đất khó. Đáng quý hơn cả là tấm lòng, tình cảm quý mến của bà con trong xã dành cho Hồ Nhanh - người cán bộ Chữ thập đỏ tận tâm tận lực với công việc, luôn nghĩ đến niềm vui nỗi buồn của những phận đời còn nghèo khó, bất hạnh.
Nguyễn Thị Thắm - Phó Chủ tịch Hội CTĐ huyện Lệ Thủy

[Trở về]