Bắt tay tôi, đôi bàn tai chai sạn vì trong suốt bao nhiêu năm qua phải làm việc thay đôi chân và không biết đôi bàn tay này đã làm mòn bao nhiêu chiếc dép.
Theo lời giới thiệu của bác Mai Xuân Thu - Chủ tịch Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh Quảng Bình, không khó khăn mấy để tôi đến được nhà anh Lê Văn Vũ ở thôn Mỹ Trạch Thượng, xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy bởi ai cũng biết về anh với nghị lực vươn lên trong cuộc sống.
Bắt tay tôi, đôi bàn tai chai sạn vì trong suốt bao nhiêu năm qua phải làm việc thay đôi chân và không biết đôi bàn tay này đã làm mòn bao nhiêu chiếc dép.
Anh sinh ra, lớn lên bên dòng Kiến Giang thơ mộng, là con cuối trong một gia đình có bảy anh chị em, những nghiệt ngã của số phận đến với anh quá sớm. Anh ngậm ngùi: “Mẹ tôi kể, khi được một tuần tuổi, tôi quấy khóc nhiều, cả nhà nghĩ đó cũng là điều bình thường, nhưng tới lúc thấy đôi chân của tôi có dấu hiệu ửng đỏ và sưng tấy, cả nhà mới đưa tôi về bệnh viện thăm khám và gần như suy sụp khi bác sỹ kết luận tôi bị một căn bệnh hiếm gặp có tên là bệnh tạo xương bất toàn hay còn gọi là xương thủy tinh”. Anh lớn lên trong tình yêu thương, che chở của người thân và với trái tim, tâm hồn thơ trẻ, đầy hồn nhiên vì chưa ý thức được những khó khăn, chông gai phía trước.
Anh được cha xin vào học lớp 1 và mỗi ngày, trên lưng của bạn bè, anh chị, dù nắng dù mưa, anh vẫn đến trường đều đặn. Đến một ngày, để trốn tránh những ánh mắt ái ngại của bạn bè cũng như lòng tự ti của bản thân, anh bỏ học. “Tôi vô tình trở thành gánh nặng cho gia đình vì tôi không thể lao động, không thể kiếm tiền phụ đỡ cuộc sống hàng ngày” và anh quyết định trốn nhà vào Nam kiếm sống. Cuộc sống xa quê đối với một người bình thường đã khó, riêng anh lại gấp vạn lần, nhiều khi muốn buông xuôi. Cuộc đời anh sang trang mới khi gặp được người đàn ông tốt bụng đã giúp anh số vốn nhỏ đủ để lấy vé số đi bán dạo. Dành dụm được một thời gian, anh dùng hết số tiền tiết kiệm được để học nghề sửa chữa đồng hồ, điện thoại. Được bạn bè giới thiệu về Vũng Tàu làm việc, bắt đầu làm quen với bạn mới, anh đã cười nhiều hơn, vui đùa nhiều hơn khi được sống trong vòng tay nhân ái của Câu lạc bộ Người khuyết tật thành phố Vũng Tàu.
Anh đã nhận ra rằng, bản thân mình không phải là gánh nặng cho gia đình, xã hội khi anh cùng đoàn thể thao khuyết tật tỉnh Quảng Bình tham gia thi đấu giải thể thao toàn quốc dành cho người khuyết tật, liên tục từ năm 2000 đến năm 2010 anh tham gia thi đấu môn bơi lội và giành được tổng cộng 25 Huy chương Vàng, 7 Huy chương Bạc, 5 Huy chương Đồng các cự ly. Để có người bầu bạn, chia sẻ sớm hôm, anh đã đến với chị Sầm Thị Hà, quê ở Quỳ Hợp, Nghệ An nguyên là nữ sinh khoa Ngữ Văn Trường Đại học Đà Lạt, sau một cơn sốt ác tính chị bị bại liệt một chân và là một người bạn cùng đội thi đấu của anh.

Gia đình anh hạnh phúc bên quán cà phê nhỏ.
Tiếng cười giòn tan của con trai anh - cháu Lê Bình An, làm ngắt quãng cuộc trò chuyện, “Hạnh phúc của vợ chồng tôi vỡ òa khi Bình An ra đời, cuộc sống nhiều lúc khó khăn, bế tắc nhưng hai vợ chồng luôn động viên, chia sẻ và khi nghĩ về con là chúng tôi vượt qua tất cả, luôn có thêm động lực để phấn đấu. “Bình An” là hy vọng, ước mong cho cuộc sống của cháu cũng như mọi người” - anh chia sẻ.
Sau bao nhiêu năm xa quê, nay vợ chồng anh trở về lập nghiệp, với đồng vốn dành dụm được cộng với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, bà con lối xóm, anh dựng tạm căn nhà nhỏ 40m2 trên mảnh đất mượn của anh chị, vừa ở, vừa bán cà phê, nước dừa, đây cũng là nguồn thu nhập chính của anh chị để lo trang trải mọi sinh hoạt cũng như trả tiền lãi vay vốn ngân hàng.
Thật vinh dự, nhân ngày Người Khuyết tật Việt Nam 18/4/2014, kỷ niệm 20 năm thành lập Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh Quảng Bình, vợ chồng anh được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tặng Giấy khen đối với người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống và anh được đại diện cho người khuyết tật phát biểu, chia sẻ những nghị lực, thành công của mình tại buổi lễ.
Có lẽ, cuộc sống đang thử thách nghiệt ngã đối với vợ chồng anh, gia đình anh, đối với những con người không được lành lặn về thể xác nhưng tâm hồn họ, trái tim họ luôn hướng đến ánh bình minh, luôn tự đứng lên sau những thiệt thòi thì không gì có thể khuất phục được. Nick James Vujicic đã từng nói: “...Tôi khiếm khuyết như bất cứ ai bạn sẽ gặp trong đời. Tôi cũng có những ngày vui vẻ, những ngày tồi tệ. Những thách thức nảy sinh trong cuộc sống đôi khi khiến tôi quỵ ngã. Tuy nhiên, tôi biết rằng, khi chúng ta đặt niềm tin vào hành động thì không gì có thể ngăn cản được chúng ta vươn tới một cuộc sống tốt đẹp”.
Chia tay gia đình anh, chia tay vùng quê hò khoan chan chứa nghĩa tình, lòng tôi thấy ấm hơn khi nhớ lại câu nói của anh: “Như dòng Kiến Giang chở nặng ước mơ ngàn đời của người dân quê tôi, dù rằng, qua muôn ngàn cơn bão lũ, Kiến Giang vẫn vậy, xanh ngắt một màu và luôn chở nặng phù sa.”
Minh Tuấn