Thăm dò ý kiến
  • Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?   Phong phú đa dạng
      Dễ sử dụng
      Hữu ích
TỔNG SỐ LƯỢT TRUY CẬP
 Bản in     Gởi bài viết  
Bài dự thi "Xuân Nhân ái": Thằng Côi 

 Cuộc đời này vẫn còn nhiều những số phận nghiệt ngã, nhưng hạnh phúc sẽ mỉm cười nếu như ta biết cố gắng phấn đấu và nỗ lực, hạnh phúc ấy càng được nhân lên bởi biết bao tấm lòng cùng sẻ chia, nhân ái như đạo lý tốt đẹp “ lá lành đùm lá rách” ngàn đời của người Việt Nam ta.

Người ta gọi em là “Thằng Côi” có lẽ vì Côi côi cút từ nhỏ, mẹ mất khi Côi mới sinh được vài tháng tuổi, bố bị bệnh tâm thần bỏ đi lang thang biệt xứ ở đâu không rõ. Côi được dì thương tình đưa về nuôi, oái oăm thay, được mấy năm dì của Côi lại lâm bệnh nặng qua đời, dượng đi lấy vợ khác vậy là Côi trở thành côi cút, bơ vơ sống lay lắt đầu đường góc chợ. Lớn lên chút nữa, Côi lang thang từ làng này sang làng khác làm thuê kiếm sống qua ngày. Dẫu không được học hành và không được minh mẫn như những người bình thường khác vì bị di truyền từ căn bệnh của người cha nhưng bù lại, Côi sống hiền lành chất phác nên đi đâu ai cũng thương, có việc gì ai cũng kêu làm. Với bản tính cần kiệm, Côi vừa làm, vừa dành dụm, vượt qua khỏi sự miệt thị của người đời. Côi cố gắng lần tìm lại cội nguồn, tên tuổi của mình sau hơn 20 năm phiêu bạt, bà con thân thích chẳng còn ai nhưng hóa ra Thằng Côi có tên có tuổi hẳn hoi. Người mẹ trước khi qua đời còn kịp để lại cho Côi một tờ giấy khai sinh mang tên Hoàng Minh Hiệu, sinh ngày 12/10/1980, nơi sinh xã Hoàn Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình. Vậy là Côi đã có tên có tuổi, có quê quán nhưng vẫn bơ vơ không cửa không nhà, có thân mà không phận. Tìm lại được gốc gác, quê hương Hiệu quyết tâm bám trụ lại nơi mãnh đất đã sinh ra mình chấm dứt cuộc đời lang bạt. Vẫn là ai thuê gì làm nấy cần mẫn, chắt chiu. Cứ như vậy, được sự tạo điều kiện của Chính quyền địa phương, sự thương yêu đùm bọc của bà con nhân dân xã Hoàn Trạch, năm 2012, Hiệu mua được một mãnh đất nhỏ tại xã, có đất em dựng tạm một ngôi lều để sống qua ngày. Vậy là cuộc đời em đã tiến thêm được một bước mới.
Chúng tôi biết đến Hiệu trong một chuyến đi cùng đoàn công tác hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bom mìn do Ủy ban Quốc tế Chữ thập đỏ tài trợ tại xã Hoàn Trạch, một trong hai xã của huyện Bố Trạch vừa được tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Sau buổi làm việc, tôi hỏi đùa các anh lãnh đạo xã: Làng mình giờ ai nghèo nhất. Tiếng trả lời rập ràng “Thằng Côi”. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên trước sự “thống nhất cao” của mọi người, anh Hùng Chủ tịch UBMT xã giải thích: Côi là người đi xa mới về lại làng, mồ côi, không cha, không mẹ, không bà con thân thích, thuộc diện hộ nghèo, năm rồi xã tạo điều kiện vừa bán vừa hỗ trợ cho một đám đất ở nhưng chưa có tiền làm nhà vì vậy vẫn thuộc diện nghèo nhất xã. Tôi hỏi lại: Thế Chương trình 167 hỗ trợ cho người nghèo làm nhà ở sao không xét cho Côi. Anh Hùng nói tiếp: Chương trình 167 vừa hỗ trợ vừa cho vay được 20 triệu đồng, quỹ vì người nghèo của xã hỗ trợ thêm 10 triệu, bản thân Côi sau khi mua đất vừa tiết kiệm vừa dành dụm được 6 triệu đồng vị chi được 36 triệu đồng, tôi với các anh trong xã bàn nát óc mà vẫn không biết làm cách gì để xây đủ nhà. Câu chuyện trở nên sôi nổi, mọi người tranh nhau kể về cuộc đời cơ cực đầy gian truân của Hiệu.
Sau chuyến công tác, tôi cùng anh Hoành - Ủy viên BCH huyện Hội, người phụ trách địa bàn xã Hoàn Trạch tìm hiểu thêm về cuộc đời của Hiệu, người 34 năm nổ lực tìm lại thân phận của mình và chúng tôi tự thấy mình có một phần trách nhiệm trong đó, trách nhiệm giúp Hiệu gắn cái tên của mình vào thân phận Thằng Côi mà mọi người vẫn gọi.
Tại Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 7, Hội Chữ thập đỏ huyện thống nhất đưa em Hoàng Minh Hiệu vào danh sách địa chỉ đỏ của huyện Hội, trước mắt trích Quỹ nhân đạo để hỗ trợ xây dựng nhà Nhân ái giúp em ổn định cuộc sống trước Tết nguyên đán Ất Mùi, sau đó tiếp tục hỗ trợ sinh kế dài hạn để thoát nghèo, vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Ngày 6/01/2015, sau hơn hai tháng nỗ lực của UBMT và Hội CTĐ cũng như sự giúp đỡ hỗ trợ về ngày công, vật chất của bà con nhân dân thôn 6, xã Hoàn Trạch, ngôi nhà 60m2, trị giá gần 90 triệu đồng được khánh thành và bàn giao cho Hiệu. Tại buổi Lễ, Hiệu xúc động nói “Cháu xin cám ơn các cấp các ngành, các bác, các chú và bà con đã xây cho cháu ngôi nhà mới. Vậy là từ nay cháu đã có nhà để ở, có nơi để thờ cúng tổ tiên, ông bà…”. Tôi hỏi: có nhà rồi, thời gian tới em sẽ làm gì để ổn định cuộc sống. Hiệu trả lời với nụ cười đầy lạc quan: em sẽ làm vườn, chăn nuôi cố gắng lao động để vươn lên thoát nghèo như bao gia đình khác.
Hiệu nói là làm, hai tuần sau khi chúng tôi quay lại theo chương trình hỗ trợ sinh kế, khu vườn của Hiệu đã được rào che chắc chắn, đất đã được cày xới chuẩn bị cho mùa gieo, trồng mới. Dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng tôi tin Hiệu sẽ sớm có cuộc sống ổn định.
Nhìn ngôi nhà tuy nhỏ nhưng khang trang còn thơm mùi vôi mới, mãnh vườn được xới tơi cẩn thận và bóng Hiệu dẫu một mình bên khung cửa nhưng em không còn côi cút, đơn độc. Cuộc đời này vẫn còn nhiều lắm những số phận nghiệt ngã, nhưng hạnh phúc sẽ mỉm cười nếu như ta biết cố gắng phấn đấu và nỗ lực, hạnh phúc ấy càng được nhân lên bởi biết bao tấm lòng cùng sẻ chia, nhân ái như đạo lý tốt đẹp “ lá lành đùm lá rách” ngàn đời của người Việt Nam ta.

Nguyễn Duy Hòa 

[Trở về]