Thăm dò ý kiến
  • Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?   Phong phú đa dạng
      Dễ sử dụng
      Hữu ích
TỔNG SỐ LƯỢT TRUY CẬP
 Bản in     Gởi bài viết  
Ưu tiên các hoạt động nhân đạo có tính chất bền vững, vì sự phát triển 
 Thời gian qua, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) các cấp đã làm tốt công tác vận động nguồn lực với sự tham gia, đồng hành quý báu của các đối tác, doanh nghiệp, cộng đồng nhà hảo tâm. Để hoạt động nhân đạo đạt hiệu quả cao, thiết thực hơn, lãnh đạo Trung ương Hội CTĐ Việt Nam đưa ra khuyến nghị, thời gian tới cộng đồng nhà hảo tâm nên ưu tiên các hoạt động nhân đạo có tính chất bền vững, vì sự phát triển.
 Những ưu tiên mà Hội CTĐ Việt Nam khuyến nghị tới các đối tác, cộng đồng nhà hảo tâm cụ thể ra sao? Đây là những vấn đề sẽ được lãnh đạo Trung ương Hội CTĐ Việt Nam đưa ra tại Hội nghị xúc tiến hoạt động nhân đạo sẽ diễn ra vào ngày 11/12 sắp tới.

Duy trì, phát triển các phong trào, dự án đã phát huy hiệu quả

Chúng tôi xin điểm lại các chương trình, dự án nhân đạo hiệu quả đã, đang và sẽ tiếp tục được ưu tiên trong thời gian tới. Đó là:

Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”

Sau 10 năm thực hiện Cuộc vận động này, toàn Hội đã khảo sát lập hồ sơ "địa chỉ nhân đạo" đối với: 1.321.217 đối tượng, trong đó 1.066.907 đối tượng đã được trợ giúp (chiếm 80,6% tổng số hồ sơ "địa chỉ nhân đạo"), còn lại 255.000 hồ sơ "địa chỉ nhân đạo" chưa được trợ giúp.

thang-nhan-dao-phu-tho-2
Hội CTĐ tỉnh Phú Thọ vận động ủng hộ địa chỉ nhân đạo - hộ chị Đặng Thị Độ khu 4, xã Xuân Huy, huyện Lâm Thao.

 

Do vậy, Hội CTĐ Việt Nam đặt mục tiêu thời gian tới là tiếp tục vận động các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ, đăng ký trợ giúp số "địa chỉ nhân đạo" chưa được trợ giúp và số "địa chỉ nhân đạo" tiếp tục được lập trong những năm tới. Phấn đấu căn bản các "địa chỉ nhân đạo" đều nhận được sự trợ giúp thích hợp từ Hội hoặc thông qua tổ chức Hội. Trung ương Hội lập Ngân hàng địa chỉ nhân đạo trên website để vận động trợ giúp theo địa chỉ nhân đạo.

Lãnh đạo T.Ư Hội CTĐ Việt Nam mong muốn các tổ chức, doanh nghiệp tham gia trợ giúp hoặc vận động trợ giúp đảm bảo trên 95% số địa chỉ được nhận trợ giúp.

Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”

ctd
Các cán bộ CTĐ gói bánh chưng tặng người nghèo vùng lũ tỉnh Sơn La Xuân Ất Mùi 2018. Ảnh: TL

 

Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” (sau đây viết tắt là Phong trào) do Hội thực hiện đã trợ giúp ít nhất 2/3 số hộ nghèo, với mức trợ giúp trung bình đạt 300.000đ/1 suất quà.

Hội đặt mục tiêu hằng năm, có ít nhất 2/3 số hộ nghèo được tặng quà với mức trung bình 500.000đ/1 suất quà, với chỉ tiêu ít nhất 1,5 triệu suất quà Tết mỗi năm được trao tặng.

Để đạt mục tiêu này, rất cần các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đóng góp cho chương trình tặng quà Tết, trung bình đạt 30 tỷ đồng/năm.

"Tháng Nhân đạo"

Năm 2018, năm đầu tiên Hội CTĐ Việt Nam tổ chức, tham mưu tổ chức "Tháng Nhân đạo" theo chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, đã thu được kết quả bước đầu rất đáng khích lệ, tuy nhiên, sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa nhiều, chưa đáp ứng chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

thang-nhan-dao-1
Chương trình đi bộ hưởng ứng "Tháng Nhân đạo" 2018.
thang-nhan-dao-1
Hưởng ứng "Tháng Nhân đạo", Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hà Nam vận động trao Nhà Chữ thập đỏ tại huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

 

Vì vậy, T.Ư Hội đề ra mục tiêu "Tháng Nhân đạo" cần phải trở thành ngày hội toàn dân làm nhân đạo, điều đó đòi hỏi các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức nhận thức đầy đủ về hoạt động nhân đạo và chủ động tham gia "Tháng Nhân đạo" do Hội CTĐ Việt Nam chủ trì tham mưu thực hiện với những việc làm thích hợp.

Với mục tiêu đó, Hội CTĐ Việt Nam mong muốn các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phối hợp cùng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tuyên truyền về "Tháng Nhân đạo" đồng thời chủ động đăng ký tham gia "Tháng Nhân đạo" với việc làm, quy mô thích hợp như: trợ giúp trực tiếp đối tượng, xây dựng công trình nhân đạo...

Xây dựng dự án về hiến máu, hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác

Hiện nay, số lượng máu vận động được tăng dần hàng năm, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu về máu phục vụ cấp cứu và điều trị người bệnh; lực lượng hiến máu tình nguyện ngày càng đông đảo, đa dạng. Tuy nhiên nhu cầu về máu, nhất là các nhóm máu hiếm còn rất cao, nhận thức của người dân về hiến máu còn hạn chế, chính sách về hiến máu nhân đạo còn bất cập.

dieu
Hội CTĐ tỉnh Ninh Bình diễu hành tuyên truyền về đăng ký hiến tặng mô, tạng.

Đối với hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác tuy có bước chuyển biến tích cực về nhận thức, nhưng số lượng mô, bộ phận cơ thể người được hiến tặng còn rất thấp, đáp ứng không đáng kể nhu cầu được ghép mô, tạng, cứu chữa người bệnh và nhu cầu nghiên cứu khoa học.

Mục tiêu đặt của ra chương trình là phấn đấu vận động đủ máu phục vụ cấp cứu và điều trị, đảm bảo tỷ lệ trung bình đạt trên 1,5% dân số hiến máu. Đồng thời, lồng ghép thành công các hoạt động tuyên truyền, vận động hiến máu, hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác.

Hội CTĐ Việt Nam mong muốn các tổ chức, doanh nghiệp phối hợp triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động hiến máu, hiến mô tạng nhân đạo trong tổ chức, doanh nghiệp; đồng thời hỗ trợ kinh phí triển khai các hoạt động về tuyên truyền, vận động hiến máu, hiến mô tạng nhân đạo.

Đẩy mạnh xã hội hóa

Ngoài ra, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cũng vận đồng cộng đồng tham gia các đề án/dự án nhân đạo theo hướng xã hội hóa.

Một trong các dự án quan trọng là về phòng tránh tai nạn thương tích và phát triển hệ thống sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng.

Thực trạng hiện nay, trung bình mỗi năm tai nạn giao thông cướp đi 10.000 sinh mạng và trên 30.000 người tàn phế (trung bình mỗi ngày trên cả nước cướp đi 25 sinh mạng và khoảng 75 người lâm vào cảnh tàn phế). Trẻ em Việt Nam tử vong do đuối nước cao gấp 10 lần các nước phát triển (trung bình những năm gần đây 3.500 trẻ /năm). Như vậy, tai nạn giao thông và đuối nước trung bình hàng năm cướp đi trên 13.000 người.

Mục tiêu của dự án là nhằm góp phần nâng cao năng lực của người dân về phòng tránh tai nạn thương tích và phát triển hệ thống sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, qua đó góp phần giảm tỷ lệ tử vong và di chứng đối với nạn nhân bị ảnh hưởng bởi tai nạn thương tích trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là tai nạn giao thông, đuối nước và tai nạn do thiên tai, thảm họa.

ctd
Diễn tập sơ cấp cứu trong thiên tai, thảm họa tại Hà Nội. Ảnh: TL

 

Các đề xuất hợp tác, hỗ trợ cụ thể mà Hội CTĐ Việt Nam mong muốn  các tổ chức, doanh nghiệp tham gia khá đa dạng, như: Xây dựng và phát hành các ấn phẩm truyền thông; tổ chức các sự kiện/chiến dịch truyền thông về phòng chống tai nạn, thương tích và sơ cấp cứu; Phổ cập rộng rãi kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu cho người dân và cộng đồng;  Xây dựng để hình thành đội ngũ sơ cứu viên sơ cấp cứu ngày càng đông đảo; ngoài ra, hợp tác để hình thành hệ thống các trạm, điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ, góp phẩn giảm thiểu nguy cơ thiệt hại tính mạng cho người dân.

ctd
Cán bộ CTĐ tập huấn Sơ cấp cứu cho học sinh. Ảnh: TL

 

Một đề án khác là về quản lý thảm họa dựa vào cộng đồng. Hiện nay, sự hiểu biết, nhận thức của người dân nói chung về thiên tai, thảm họa và xây dựng cộng đồng an toàn còn hạn chế; hoạt động xây dựng mô hình cộng đồng an toàn còn lúng túng, chưa rõ tiêu chí. Cộng đồng còn đứng trước nhiều nguy cơ rủi ro thiên tai, thảm họa mà thiếu những biện pháp chủ động phòng, chống. Đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các tổ chức, trong đó có Hội CTĐ Việt Nam - một tổ chức tiên phong và có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Hội CTĐ Việt Nam mong muốn các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng 10 mô hình cộng đồng an toàn ở 10 khu vực khác nhau, từng bước nhân rộng và chuyển giao mô hình này. Ngoài ra, cũng cần hỗ trợ duy trì và phát triển hệ thống Đội ứng phó thiên tai, thảm họa, trong đó phấn đấu 30% các đội hiện có của Hội Chữ thập đỏ phát triển thành các đội phối hợp giữa Hội Chữ thập đỏ và Chính quyền.

(Theo Cổng thông tin Hội CTĐ Việt Nam)

[Trở về]