Tuyên bố Manila- Huy động sự tham gia của cộng đồng địa phương, hoạt động nhân đạo trong một thế giới có nhiều đổi thay nhanh chóng.
Hội nghị Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 10
Tuyên bố Manila
Huy động sự tham gia của cộng đồng địa phương, hoạt động nhân đạo trong một thế giới nhiều đổi thay nhanh chóng
Chúng tôi, những nhà lãnh đạo của các Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc gia khu vực Châu Á Thái Bình Dương, đã hội tụ tại Manila để tham dự Hội nghị Châu Á Thái Bình Dương lần thứ 10, từ ngày 11 đến ngày 14 tháng 11 năm 2018,
Ghi nhớ và phát huy những cam kết hành động từ Lời kêu gọi đổi mới từ Bắc Kinh được thông qua tại Hội nghị Châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 9 năm 2014.
Ghi nhớ và phát huy tinh thần của Tuyên bố Baghdad năm 2018.
Gợi nhớ Nghị quyết số 1 được Hội đồng đại diện thông qua năm 2017 về Tăng cường Hợp tác và Điều phối trong Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng Lưỡi liềm đỏ quốc tế (SMCC).
Thông qua Cam kết Manila 2018 của Thanh niên Chữ thập đỏ, “#YouthAtTheCentre” (Đặt Thanh niên vào trọng tâm hành động).
Khẳng định một tầm nhìn và cam kết tới năm 2030 xây dựng được một nền văn hóa tình nguyện, một nền văn hóa coi trọng công tác phòng ngừa, và một nền văn hóa của sự tham gia và hợp tác.
Cam kết hành động đơn lẻ cũng như nỗ lực chung để thực hiện Lời kêu gọi từ Hội nghị châu Á Thái Bình Dương lần thứ 10 tại Manila nhằm huy động sự tham gia của cộng đồng địa phương, hoạt động nhân đạo trong một thế giới nhiều đổi thay nhanh chóng.
Sự phù hợp của chủ đề Huy động sự tham gia của cộng đồng địa phương, hoạt động nhân đạo trong một thế giới nhiều đổi thay nhanh chóng
Châu Á -Thái Bình Dương trải dài từ bờ biển phía đông Địa Trung Hải đến những nơi xa xôi nhất của Thái Bình Dương và là nơi sinh sống của gần hai phần ba dân số thế giới. Đó là một khu vực năng động, đa dạng và thay đổi nhanh chóng, với sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Khu vực này có vai trò thúc đẩy sự đổi mới và mang lại cơ hội cho toàn cầu. Tuy nhiên, khu vực này hứng chịu nhiều thiên tai thảm họa, do các sự kiện thời tiết khắc nghiệt, động đất và núi lửa. Tác động tàn phá của biến đổi khí hậu là một thực tế trên toàn khu vực và mối đe dọa được dự báo sẽ ngày một gia tăng. Khu vực này cũng bị ảnh hưởng bởi một số xung đột phức tạp và kéo dài nhất trên thế giới. Những thảm họa và khủng hoảng này đã cướp đi sinh mạng và sinh kế của nhiều người, và hàng triệu người đã phải sống trong cảnh tha hương, trở thành người tị nạn hoặc dân nhập cư. Y tế cũng là một vấn đề nổi cộm trong khu vực, với nguy cơ và tỷ lệ cao dân số mắc các bệnh không truyền nhiễm và một số bệnh dịch khác.
Trong thế giới ngày nay, lòng tin trở thành một trong những tài sản quan trọng nhất của các tổ chức để có thể có được sự ủng hộ, hỗ trợ cần thiết duy trì hoạt động của tổ chức. Đối với các tổ chức làm công tác nhân đạo, lòng tin là điều kiện tiên quyết đảm bảo khả năng tiếp cận được với những người dễ bị tổn thương nhất trong cộng đồng trên toàn thế giới, không phân biệt địa vị và hoàn cảnh sống của họ, và chỉ có như vậy Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế mới có thể hoàn thành sứ mệnh của mình. Để tăng cường xây dựng lòng tin, chúng ta cần đảm bảo rằng chúng ta phản ánh được sự đa dạng của cộng đồng chúng ta phục vụ. Điều này đòi hỏi sự tham gia và đại diện của đa dạng thành phần, từ thanh thiếu niên, phụ nữ và người khuyết tật.
Chúng tôi cam kết, từng Hội quốc gia cũng như nỗ lực chung, thực hiện những khuyến nghị của Hội nghị khu vực Châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 10 với chủ đề “Huy động sự tham gia của cộng đồng địa phương, hoạt động nhân đạo trong một thế giới nhiều đổi thay nhanh chóng”, cụ thể như sau:
Vai trò lãnh đạo của phụ nữ
Chúng tôi cam kết đảm bảo tính đại diện của phụ nữ tại cấp lãnh đạo và điều hành, cả trên bình diện quốc tế và trong nước, tại mỗi Hội quốc gia.
Huy động sự tham gia
- Ghi nhận tầm quan trọng và tính cấp bách của việc xây dựng khả năng chống chịu và phục hồi cho các cộng đồng địa phương và cam kết tăng cường các biện pháp vận động nguồn lực, áp dụng các công cụ sử dụng công nghệ và chia sẻ kinh nghiệm.
- Tham gia sáng kiến Liên minh 1 tỷ và vận động quan hệ hợp tác, đối tác với mọi tầng lớp xã hội trong việc thiết kế và thực hiện các chương trình xây dựng khả năng chống chịu và phục hồi cho các cộng đồng cả ở đô thị và nông thôn.
- Tăng cường năng lực và kỹ năng cho tình nguyện viên, phát huy tài năng của họ thông qua việc sử dụng công nghệ và mạng xã hội.
- Đảm bảo tính đại diện của đa dạng thành phần tình nguyện viên trong công tác chỉ đạo và điều hành của Hội quốc gia.
- Xây dựng quy định và cơ chế chính thức về quan hệ đối tác với các đối tác trong và ngoài Phong trào giúp tăng cường nguồn hỗ trợ tại chỗ và đảm bảo sự bền vững của Hội quốc gia.
- Thiết lập mạng lưới với cộng đồng doanh nghiệp nhằm tối ưu hóa các hoạt động tạo nguồn thu cũng như vận hành doanh nghiệp xã hội.
- Phát triển các công nghệ giao tiếp phù hợp nhằm giảm khoảng cách kỹ thuật số.
Hành động nhân đạo tại cấp địa phương
- Khuyến khích các Hội quốc gia áp dụng phương thức hỗ trợ tiền mặt như một công cụ quan trọng đảm bảo sự tôn trọng nhân phẩm, quyền tự quyết của cộng đồng ảnh hưởng.
- Lồng ghép bảo hộ, giới và hòa nhập xã hội (PGI) và đảm bảo sự tham gia, giám sát của cộng đồng (CEA) khi xây dựng các chính sách và hướng dẫn chiến lược và thu hút sự tham gia của người khuyết tật vào các chương trình của Hội cũng như trở thành Hội viên của Hội.
- Đáp ứng các nhu cầu của những người chịu ảnh hưởng của các khủng hoảng kéo dài, phải ly tán, bao gồm người tị nạn, đối tượng mất chỗ ở cũng như cộng đồng cưu mang họ, bằng việc tăng cường khả năng tự lực, tự chủ, khả năng gắn kết với xã hội, xây dựng lòng tin với các bên liên quan cũng như nâng cao năng lực cho các tỉnh/thành/huyện Hội, với phương châm ứng phó tại chỗ.
- Hoạt động hiệu quả hơn, một cách toàn diện, giàu tham vọng, mang tính khích lệ nhiều hơn nhằm đạt được những thành tựu chung của toàn Phong trào, đồng thời phát huy được vị thế của các thành phần trong Phong trào nhằm đạt được mục đích chung trong công tác nhân đạo.
Thế giới nhiều đổi thay nhanh chóng
- Hợp tác với các cộng đồng và các tổ chức khác nhằm: chuẩn bị, dự phòng và ứng phó với sự bùng phát của các bệnh dịch và đại dịch xảy ra ở địa phương.
- Đầu tư cho cách tiếp cận Hỗ trợ tài chính dựa vào cảnh báo và xây dựng hệ thống theo dõi thiên tai, thảm họa dựa vào cộng đồng, kết nối với các cơ chế cảnh báo và giám sát phù hợp.
- Tăng cường đầu tư cho các phương pháp tiếp cận mới mang tính sáng tạo và khoa học công nghệ, song song với việc hồi phục lại tinh thần tình nguyện và huy động sự tham gia của thanh thiếu niên trong bối cảnh hoạt động tại đô thị.
- Củng cố sự tham gia của Hội quốc gia vào các liên minh tại khu vực đô thị và tăng cường mối quan hệ đối tác với nhiều bên khác nhau, trở thành đối tác được tin tưởng, lựa chọn của các tổ chức, cá nhân và cải thiện tính hiệu lực, hiệu quả của các hoạt động của chúng ta trong những khu vực đô thị với điều kiện phức tạp.
- Tham gia vào mạng lưới xây dựng trường học an toàn, với trọng tâm nâng cao nhận thức về các rủi ro thảm họa đi liền với tuyên truyền các Nguyên tắc cơ bản của Phong trào và các giá trị nhân đạo trong các trường học.
- Giúp trẻ an toàn hơn khi tới trường, trong mọi bối cảnh, đảm bảo sự hòa nhập của mọi nhóm đối tượng, với trọng tâm hòa nhập những người nằm bên lề xã hội, chịu sự cách biệt lớn về điều kiện kinh tế.
Các cam kết chung
- Áp dụng cách tiếp cận lấy cộng đồng làm trung tâm, tập trung tăng cường sự tham gia của các đối tác, các cấp Hội và cộng đồng
- Phân cấp quản lý và sử dụng các nguồn lực của Hội quốc gia, tối đa hóa hành động ứng phó tại chỗ.
- Tăng cường hiểu biết và thực hành các nguyên tắc nhân đạo, song song với việc đề cao nguyên tắc không khoan nhượng với gian lận, tham nhũng, quấy rối và bóc lột tình dục, nhằm giữ gìn tính thống nhất cao nhất của tổ chức, sự chân thực, tính minh bạch và khả năng giải trình của tổ chức trước cộng đồng và trước đối tác.
- Tăng cường năng lực thực hiện các hành động khẩn cấp bảo vệ người dân, môi trường và tham gia giải quyết các vấn đề di cư, tình trạng mất chỗ ở trong bối cảnh gia tăng tình trạng biết đổi khí hậu, một trong những thách thức nan giải của thời đại chúng ta ngày nay.
- Tăng cường hoạt động vận động chính sách và đáp ứng nhu cầu của người di cư, người tị nạn, những người phải di tản do mất chỗ ở và các cộng đồng cưu mang họ, cả trong bối cảnh biến đổi khí hậu, trong toàn bộ hành trình di cư của họ, và bằng việc tăng cường năng lực của chúng ta để có thể hành động khẩn cấp, hướng về phía trước.
Mục tiêu:
- Ít nhất 50% lãnh đạo Hội quốc gia và Hiệp Hội là phụ nữ.
- Tới năm 2022, ít nhất 70% Hội quốc gia tham gia sáng kiến Liên minh một tỷ vì khả năng chống chịu và phục hồi của cộng đồng.
- Ít nhất 50% Hội quốc gia có sự tham gia đa dạng thành phần của tình nguyện viên vào trong công tác quản trị/lãnh đạo, với trọng tâm đặc biệt dành cho đối tượng Thanh niên Chữ thập đỏ
- Thiết lập một mạng lưới hỗ trợ thực hiện các hoạt động tạo nguồn thu và vận hành doanh nghiệp xã hội
- Hiệp Hội và các Hội quốc gia xây dựng được các cơ chế và công cụ thu hút cũng như giữ chân tình nguyện viên.
- 100% Hội quốc gia sử dụng công cụ kết nối phù hợp với bối cảnh trong nước và đặc thù các địa phương.
- Ít nhất 60% Hội quốc gia sẵn sàng triển khai các chương trình hỗ trợ sử dụng tiền mặt
- 100% Hội quốc gia và Hiệp Hội triển khai Tiêu chuẩn tối thiểu về Bảo hộ, Giới và Hòa nhập khi triển khai các hoạt động.
- Ít nhất 75% số Hội quốc gia lồng ghép nhu cầu của người nhập cư, người tị nạn và những người mất chỗ ở khi hoạch định các kế hoạch chiến lược, thông qua thực hiện các đánh giá cụ thể và xây dựng các chính sách, chiến lược hỗ trợ người nhập cư (nếu có)
- Ít nhất 50% số Hội quốc gia thực hiện hỗ trợ tài chính dựa trên cảnh báo và xây dựng được hệ thống theo dõi thiên tai, thảm họa dựa vào cộng đồng.
- Ít nhất 50% số Hội quốc gia tham gia vào các liên minh/mạng lưới xây dựng trường học an toàn.
- 100% Hội quốc gia xây dựng được các chính sách về đảm bảo sự thống nhất, sự vẹn toàn của tổ chức và các quy định phòng chống tham nhũng, gian lận, lạm dụng và bóc lột tình dục nhằm giữ gìn tính thống nhất cao nhất của tổ chức, sự chân thực, tính minh bạch và khả năng giải trình của tổ chức trước cộng đồng và trước đối tác.
- Ít nhất 80% số Hội quốc gia khu vực Châu Á- Thái Bình Dương cho phép đại diện Thanh niên, những người được thanh niên Chữ thập đỏ đề cử hoặc chỉ định, tham gia vào quá trình ra quyết định của Hội quốc gia.
Lãnh đạo các Hội quốc gia khu vực Châu Á- Thái Bình Dương bày tỏ lời cảm ơn chân thành và đánh giá cao các cán bộ, tình nguyện viên Hội Chữ thập đỏ Philippines về sự tiếp đón trọng thị và công tác tổ chức chu đáo Hội nghị Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ khu vực Châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 10, đồng thời cảm ơn các đối tác trong Phong trào đã tham gia và hỗ trợ cho Hội nghị. Lãnh đạo các Hội quốc gia khu vực Châu Á- Thái Bình Dương mong muốn gửi tới Chính phủ Cộng hòa Philippines sự trân trọng vì sự hỗ trợ vô giá cho sự nghiệp nhân đạo.
(Theo Cổng thông tin Hội CTĐ VIệt Nam)