Thăm dò ý kiến
  • Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?   Phong phú đa dạng
      Dễ sử dụng
      Hữu ích
TỔNG SỐ LƯỢT TRUY CẬP
 Bản in     Gởi bài viết  
Những mãnh đời khó khăn sau lũ cần trợ giúp. 
 Những nơi mà Đoàn Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình đến khảo sát đều là những mãnh đời khó khăn sau lũ với hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. 

Do ảnh hưởng của cơn bão số 6, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có mưa to, gây lũ, lụt trên diện rộng; người dân Quảng Bình phải đối mặt với những khó khăn và chịu thiệt hại nặng nề do lũ lụt tháng 10/2020 gây ra. Trong thời gian qua, với tình cảm cao quý, với nghĩa cử “Thương người như thể thương thân”, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cùng các các tổ chức, cá nhân, các mạnh thường quân trên khắp mọi miền đất nước đã thông qua Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình hỗ trợ nhân dân các vùng trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng thiên tai.

Tuy nhiên, do điều kiện có hạn, số lượng cần giúp đỡ nhiều nên chưa đáp ứng được nhu cầu. Để nắm bắt chính xác tình hình thực tế, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình đã cử đoàn đoàn công tác do đồng chí Đào Hữu Tuấn – Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình làm Trưởng Đoàn về các địa bàn huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy đánh giá thiệt hại và khảo sát nhu cầu người dân sau lũ lụt.

Tại gia đình ông Trần Văn Lãnh, xã Hàm Ninh

Những nơi mà chúng tôi đến, đều là những mãnh đời khó khăn sau lũ với hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ngôi nhà đầu tiên đoàn đến là gia đình ông Trần Văn Lãnh và bà Phan Thị Mụn ở thôn Quyết Tiến xã Hàm Ninh, cả hai ông bà đã trên 80 tuổi đang ở cùng đứa con trai 36 tuổi không được minh mẫn, cuộc sống hằng ngày của gia đình dựa vào 3 sào ruộng và tiền trợ cấp cho bà vợ trên 80 tuổi là 270.000 đồng/tháng. Qua trao đổi ông chia sẻ cuộc sống của gia đình lay lắt ở trong ngôi nhà cấp 4 xiêu vẹo đã xuống cấp trầm trọng. Khi nước lũ vào gia đình chỉ có cách leo lên tra (gác xép) của ngôi nhà tránh lũ, trong 02 ngày ngập lũ đó may có ủy ban nhân dân xã cử người đến hỗ trợ mấy gói mì tôm ăn qua ngày, nước thì hứng nước mưa uống, may sao nước không lên cao mà dừng lại ở đó không thì gia đình cùng ngôi nhà cuốn theo dòng nước lũ. Cuộc sống gia đình ông bà già tuy không phải là hộ nghèo, nhưng mọi sự đều thiếu thốn, thêm vào đó ốm đau liên miên không đủ tiền chữa bệnh. Bản thân ông lúc trẻ từng tham gia kháng chiến được Đảng, Nhà nước ghi nhận tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Hai nhưng giờ vẫn ở trong một ngôi nhà nhỏ, xiêu vẹo. Trao đổi với đoàn ông nói chịu khổ quen rồi, khổ cũng sẽ qua, với mong muốn lớn nhất là được các cấp, các tổ chức đoàn thể hỗ trợ cho ông một ngôi nhà để ở trong phần đời còn lại và khi bão, lũ đến có nơi để tránh trú.

Tại gia đình mẹ Phan Thị  Hiên, thôn Phú Ninh, xã Duy Ninh

Gia đình thứ hai đó là mẹ Phan Thị Hiên, 95 tuổi ở thôn Phú Ninh, xã Duy Ninh. Cuộc sống cơ cực nay lũ lụt lại làm cực thêm. Bà không có con ở một mình trong ngôi nhà được Dự án tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam hỗ trợ vừa mới hoàn thành đưa vào sử dụng. Trao đổi với đoàn bà nói: tuổi già sức yếu, hai ông ở một mình không có con cháu nương tựa, ngôi nhà ọp ẹp đã xuống cấp may có Dự án vừa mới hỗ trợ ngôi nhà để tránh lũ, chưa kịp mừng thì ông đã ra đi để lại cho mệ một mình đơn thân, cuộc sống hằng ngày dựa vào tiền trợ cấp người cao tuổi là 270.000đồng/tháng, những lúc ốm đau, thiếu thốn không có tiền để trang trải, may nhờ bà con hàng xóm và đứa cháu gọi là O giúp đỡ, trong hai ngày ngập lũ nhờ đứa cháu nấu cơm mang đến.

Tại gia đình chị Lê Thị Thu Thanh, thôn Hiển Vinh, xã Duy Ninh

Còn có gia đình anh Lê Văn Đê và chị Lê thị Thu Thanh ở thôn Hiển Vinh, xã Duy Ninh với hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn gồm 3 thế hệ với 7 người ở trong một ngôi nhà cấp 4 chật hẹp, bố anh nay đã 87 tuổi, là người khuyết tật không đi lại được, con trai đầu lòng nay 10 tuổi cũng khuyết tật, còn 3 đứa nhỏ thơ dại từ 1 đến 7 tuổi vợ anh phải ở nhà tay ấp tay bồng, cuộc sống gia đình hằng ngày chỉ dựa vào anh Đê đi làm phụ hồ để kiếm sống. Trao đổi với chúng tôi anh chia sẻ: nhằm phát triển kinh tế, gia đình vay Hội Nông dân 20 triệu đồng để chăn nuôi gia cầm mong có tiền trang trải trong cuộc sống, chưa kịp mừng thì đã lo, đời nghèo nay lại khốn khó nghèo thêm, trận lũ làm đàn gia cầm trôi hết, gia đình anh trở về bàn tay trắng, không biết lúc nào mới trả hết nợ vay và vượt qua nỗi đau này, cuộc sống gia đình bốn bề thiếu thốn, miếng ăn, áo mặc hằng ngày đã khó, nguồn nước sạch để sinh hoạt càng khó hơn, hằng ngày chị phải đi xin nước hàng xóm để sử dụng.

Tại gia đình anh Võ Văn Trường, thôn Mỹ Hòa, xã Sơn Thủy

Ngược theo dòng nước vào vùng rốn lũ, đoàn tiếp tục đến hộ gia đình anh Võ Văn Trường (37 tuổi) và chị Trần Thị Hồng (35 tuổi), tại thôn Mỹ Hoà, xã Sơn Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ. Gia đình anh chị có 3 đứa con, 02 đứa đang trong độ tuổi đi học là 15 tuổi, 10 tuổi và một cháu bé 2 tuổi. Hiện anh đang bị bệnh hiểm nghèo, suốt ngày chạy chữa thuốc thang điều trị, nguồn thu nhập chính của gia đình dựa vào chị làm 02 sào ruộng và công việc phụ hồ để kiếm sống hằng ngày. Gia đình anh chị thuộc diện khó khăn trong thôn, thường xuyên vay mượn hàng xóm để trang trải cuộc sống. Trận lũ vừa qua đã khiến gia đình anh Trường ngập sâu 1,5m. Do vậy cả gia đình phải lên gác xép trú ngụ trong vòng một tuần liền, với chút gạo ít ỏi và sử dụng nước mưa để uống. Dấu tích cơn lũ dữ còn in hằn khá rõ trên tường nhà, rác treo lủng lẳng trên những cột điện vắt ngang đường, số gia cầm chăn nuôi và lương thực bị lũ cuốn trôi theo dòng nước, các cháu phải nghỉ học 10 ngày liên tục. Trong lúc nước lũ đến gia đình thiếu thốn đủ bề thì Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã tới và cứu trợ kịp thời cho gia đình anh chị 01 thùng hàng gia đình gồm thùng nhựa, xô, gáo, chăn len, màn, nồi... và 01 thùng mỳ tôm, nhằm giải quyết các vấn đề thiếu thốn trước mắt trong những ngày mưa lũ.

Qua đánh giá đoàn nhận thấy những điều khó khăn của những mãnh đời yếu thế nơi vùng lũ là cần lương thực, nhu yếu phẩm và vấn đề Nước sạch vệ sinh, song câu chuyện nhận hàng cứu trợ khiến không ít hộ gia đình cảm thấy tủi thân vì không đủ phần. Đến các xã ngập lụt chỉ có 20% hộ gia đình có nhà vệ sinh riêng, còn lại 80% là nhà vệ sinh tạm bợ, khi nước lụt ngập người dân phải phóng uế bừa bãi cộng với những núi rác do lũ dồn về, phân gia súc và xác chết gia cầm hòa vào nước lũ làm ô nhiễm môi trường. Nguy cơ ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh đang tiềm ẩn đặc biệt là trong mùa lũ này. Do vậy, mong muốn của người dân là được hỗ trợ về tiền mặt để xây dựng nhà vệ sinh, xữ lý môi trường đồng thời hỗ trợ thùng hàng gia đình, nhu yếu phẩm và tiền mặt, sinh kế để phần nào khắc phục hậu quả lũ lụt, vượt qua hoàn cảnh khó khăn, ổn định cuộc sống.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình .

Địa chỉ: 22 Phong Nha, Nam Lý, Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

ĐT: 02323.821165 - 0916.960.333.

Hoặc chuyển khoản qua số tài khoản: 5311 0000 124122.

Ngân hàng BIDV chi nhánh Quảng Bình.

Chủ tài khoản: Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình.

 

Mậu Thường (Chánh Văn phòng Hội CTĐ Quảng Bính).

[Trở về]