Thăm dò ý kiến
  • Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?   Phong phú đa dạng
      Dễ sử dụng
      Hữu ích
TỔNG SỐ LƯỢT TRUY CẬP
 Bản in     Gởi bài viết  
Bé Đặng Kiệt, cần lắm những tấm lòng. 
 Dù mới lên 4 tuổi, nhưng có những khi em phải tự đi bộ đến trường vì mẹ và bà ngoại của em đều bị tâm thần. Cuộc sống của em hiện nay hoàn toàn phụ thuộc vào bà cố ngoại đã gần 80 tuổi. Cả gia đình 4 người chỉ sống bằng tiền trợ cấp thuộc diện hộ nghèo với mức 180.000đ/tháng.

 

Trong giá rét của những ngày đầu năm 2013, tôi tìm gặp cháu Đặng Kiệt ở thôn Đức Điền- xã Đức Ninh –thành phố Đồng Hới –tỉnh Quảng Bình mà không khỏi chạnh lòng trước hoàn cảnh éo le, khốn khó của cháu và gia đình.

 

Đặng Kiệt sinh tháng 7/2009, hiện đang học lớp Bé A trường Mầm non Đức Ninh, khi cháu sinh ra đã không có cha, mẹ lại bị tâm thần nên không thể chăm sóc, nuôi nấng em như bao người mẹ khác, thường ngày mẹ của Kiệt đi tha thẩn trong nhà, ngoài xóm. Sáng 11/1/2013 tôi đến thăm nhà của Kiệt nhưng cũng không gặp được chị, hàng xóm cho biết chị đã đi đâu từ hôm qua chưa thấy về.

 

Hai bà cháu Đặng Kiệt bên góc nhà.

Bà ngoại của Kiệt cũng bị tâm thần và không có chồng. Bà thường đi lang thang ra khỏi nhà và lạc ra các địa phương khác, có khi 1 năm mới tìm về được nhà.

Cuộc sống của cháu Đặng Kiệt hoàn toàn phụ thuộc vào sự chăm sóc, nuôi nấng của bà cố ngoại đã gần 80 tuổi. Cả gia đình 4 người sống bằng tiền trợ cấp thuộc diện hộ nghèo với mức 180.000đ/tháng. Thường ngày, cố ngoại đưa em đến trường, nhưng đôi khi hàng xóm vẫn thấy em tự men theo đường làng để tự đến lớp. Cô giáo chủ nhiệm lớp cháu Kiệt tâm sự: “Nhiều buổi tan học, cô giáo phải đưa về tận nhà vì không thấy ai đến đón cháu...Thấy hoàn cảnh của cháu như vậy ai cũng thương, nhà trường cũng đã có quan tâm ”.

Cố ngoại của em- Bà Lê Thị Tình cho biết: “ Ngoài tiền trợ cấp, gia đình không có một khoản thu nhập nào đáng vài chục ngàn đồng. Ngoài mấy cọng rau bòn mót trong vườn làm thức ăn, nhiều khi bà thèm ăn một miếng mắm...” Bà nói tiếp: “Chú xem, gần 80 tuổi rồi nhưng phải cáng đáng hết mọi việc: chăm con gái 50 tuổi(bà ngoại của Kiệt), giữ đứa cháu ngoại 24 tuổi(Mẹ của Kiệt) vì bị ngơ ngơ và lại phải nuôi chắt - Thằng Kiệt đó!...” Bà nghẹn ngào: “ Liệu tui thác xuống... thằng Kiệt không biết ai lo cho hắn đây ?”

Ngôi nhà bà tiêu điều, tuềnh toàng, không bàn ghế, không có gì đáng giá ngoài hai cái giường và 2 cái ruột chăn bông cũ không có vỏ. Gian bếp lạnh ngắt không nồi, niêu, song, chảo...Củi, rơm không có, muối mắm cũng không...và không đỏ lửa đã từ rất lâu. Cơm ăn hằng ngày bà gửi gạo nhờ người con gái thứ 2 ở cạnh nhà nấu giúp. Người con gái ở cạnh bà cũng không có chồng, không nghề nghiệp, chỉ cắt cỏ, làm việc vặt thuê cho hàng xóm láng giềng và phải vất vả nuôi một người con ăn học, gia đình thuộc diện hộ nghèo và đang ở nhà tình nghĩa do Hội Chữ thập đỏ xây từ năm 2007.

Bốn con người sống dưới một mái nhà, một bà già 80, một trẻ nhỏ lên 4 và 2 người tâm thần... Ánh mắt ngây thơ của Đặng Kiệt, khuôn mặt nhăn nheo khắc khổ của bà Tình, những câu nói lẩn thẩn của bà ngoại Kiệt cứ ám ảnh lấy tôi.

Liệu một đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn sẽ sống như thế nào khi đã hết tuổi học mầm non? liệu em có thể tiếp tục được đến trường với chúng bạn trong khi gia đình thu nhập chỉ là 180.000đ/ tháng? Em sẽ ra sao nếu cố ngoại chẳng may mất sớm? Ai sẽ là người chăm sóc, nuôi nấng em trong khi người thân chỉ còn là mẹ và bà ngoại đều là những người bị bệnh tâm thần? Những câu hỏi đó cứ đến, cứ luẩn quẩn trong suy nghĩ của tôi mà không thể nào dứt ra được.

Gió mùa Đông Bắc lại về, Tết cổ truyền sắp đến, họ đang cần lắm những vòng tay ấm áp, sẻ chia của cộng đồng cho cuộc sống trước mắt cũng như lâu dài, giúp tương lai của cháu Đặng Kiệt sẽ tươi sáng hơn.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ: Hội Chữ thập đỏ Quảng Bình: số 22 - Phong Nha - Nam Lý - Đồng Hới - Quảng Bình. Số điện thoại: 052.3858.038 hoặc gia đình cháu Đặng Kiệt ở thôn Đức Điền- xã Đức Ninh –thành phố Đồng Hới –tỉnh Quảng Bình.

Anh Vũ.


(Trường THPT Chuyên Quảng Bình)

 

 

[Trở về]