Hiệu quả từ phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế
(QBĐT) - Năm 1863, phong trào Chữ thập đỏ (CTĐ) và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế ra đời. Trong suốt 156 năm hoạt động, phong trào cam kết luôn mang sự hỗ trợ nhân đạo phù hợp và kịp thời tới các cộng đồng dễ bị tổn thương, không có sự phân biệt đối xử. Tại tỉnh ta, các cấp Hội CTĐ đỏ luôn tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tổ chức các hoạt động, chương trình thiết thực, giúp các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống, góp phần quan trọng trong thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước tại địa phương. Năm 1919, Hiệp hội CTĐ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế thành lập. Ðể ghi nhớ công lao của người sáng lập phong trào CTĐ-thương gia người Thụy Sĩ Henry Dunant, ngày sinh của ông (8-5) đã được lấy làm Ngày CTĐ quốc tế và được đổi thành Ngày CTĐ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế vào năm 1984.
Với các nguyên tắc cơ bản của phong trào là “Nhân đạo, vô tư, trung lập, độc lập, thống nhất, tự nguyện và toàn cầu”, Hiệp hội CTĐ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế hiện hoạt động vì cộng đồng tại 191 quốc gia và mỗi năm trợ giúp hơn 160 triệu người thông qua các hoạt động nhân đạo. Trên hành trình này, Hội CTĐ đảm nhận vai trò nòng cốt, cầu nối, điều phối trong các hoạt động nhân đạo, kết nối những tấm lòng hảo tâm của các tổ chức, đơn vị, cá nhân hướng tới những người cần trợ giúp trong cộng đồng. Trải qua hơn 72 năm hoạt động và trưởng thành, Hội CTĐ Việt Nam là thành viên uy tín và có những đóng góp tích cực đối với phong trào CTĐ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế; đồng thời, phối hợp triển khai hiệu quả các chương trình thuộc nhiều lĩnh vực, như: chăm sóc sức khỏe, cứu trợ xã hội, phòng ngừa và ứng phó thảm họa… Thực hiện chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng, năm 2018 là năm đầu tiên Hội CTĐ Việt Nam tổ chức thí điểm “Tháng Nhân đạo” ở một số tỉnh, thành trên toàn quốc. Đây là dịp toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta long trọng kỷ niệm Ngày CTĐ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (8-5) và kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5) - Chủ tịch danh dự đầu tiên của Hội CTĐ Việt Nam. Việc tổ chức “Tháng Nhân đạo” trong tháng 5 còn có ý nghĩa khẳng định với bạn bè quốc tế sự tích cực, chủ động của Việt Nam trong thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ, xóa đói, giảm nghèo, trợ giúp những người nghèo vươn lên trong cuộc sống. Tại tỉnh ta, thời gian qua, các cấp Hội CTĐ luôn tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh tổ chức các hoạt động, chương trình thiết thực, phù hợp chào mừng Ngày CTĐ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế. Thông qua các hoạt động còn để những người làm công tác nhân đạo trên địa bàn tỉnh tự hào ôn lại truyền thống lịch sử lâu đời của phong trào CTĐ và tiếp tục khẳng định, phát huy vai trò, tổ chức các hoạt động nhân đạo trợ giúp những người dễ bị tổn thương nhất trong cộng đồng. Đặc biệt, năm 2018, Hội CTĐ tỉnh đã tổ chức “Tháng Nhân đạo” với chủ đề "Nhân đạo - từ nhận thức tới hành động" trong các cấp hội nhằm đề cao nhận thức, ý thức và hành động thực tiễn của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân đối với hoạt động nhân đạo dành cho những người có hoàn cảnh khó khăn, những người dễ bị tổn thương. Kết quả nổi bật trong “Tháng Nhân đạo” năm 2018, các cấp Hội CTĐ đã trợ giúp gần 2.900 đối tượng khó khăn với tổng trị giá gần 1,3 tỷ đồng. Năm 2019, Hội CTĐ tỉnh tổ chức “Tháng Nhân đạo” với chủ đề “Kết nối, sẻ chia và lan tỏa”. Theo đó, cán bộ, hội viên, tình nguyện viên và nhân viên của Hội CTĐ nỗ lực kết nối những tấm lòng hảo tâm của các tổ chức, đơn vị, cá nhân hướng tới những người cần trợ giúp trong cộng đồng, bảo đảm không có ai bị bỏ lại phía sau. “Tháng Nhân đạo” năm 2019 sẽ tập trung tổ chức 4 nhóm hoạt động chính, gồm: tuyên truyền các giá trị nhân đạo và phong trào CTĐ; hoạt động trợ giúp các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn; chăm sóc sức khoẻ, hiến máu tình nguyện; tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự quản lý của chính quyền đối với công tác nhân đạo và hoạt động CTĐ. Từ những hoạt động này, toàn tỉnh phấn đấu trợ giúp 2.500 lượt người có hoàn cảnh khó khăn với hình thức trợ giúp thường xuyên và mức trợ giúp thích hợp; Hội CTĐ các cấp phối hợp hỗ trợ trên 200 địa chỉ nhân đạo, mỗi địa chỉ được hỗ trợ thường xuyên, tối thiểu 300.000 đồng/tháng (trong thời gian 1 năm); tuyên truyền trực tiếp, tư vấn cho 20.000 lượt người về mục đích, ý nghĩa của công tác hiến máu tình nguyện; vận động khoảng 1.500 người đăng ký hiến máu và tiếp nhận trên 1.000 đơn vị máu; tiếp tục duy trì hoạt động “Nồi cháo tình thương”, “Bếp ăn tình thương” tại các bệnh viện đa khoa trong toàn tỉnh; phấn đấu hỗ trợ trên 2.000 lượt bệnh nhân nghèo; tổ chức khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 400 đối tượng đặc biệt khó khăn... Phong trào CTĐ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế kêu gọi các hội quốc gia “Lan tỏa yêu thương” và từ ý nghĩa nhân văn sâu sắc đó, "Tháng Nhân đạo" sẽ cụ thể hóa bằng những việc làm thiết thực. Hy vọng, toàn thể cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên CTĐ trong toàn tỉnh nhiệt tình hưởng ứng, tham gia với tinh thần trách nhiệm và kêu gọi sự chung tay của cộng đồng để lan tỏa hơn nữa các giá trị và truyền thống nhân ái cao đẹp của dân tộc. Phan Văn Cầu |
||