Mong lắm một ngôi nhà tình nghĩa 

(QBĐT) - Ngôi nhà sàn ọp ẹp, rách nát nằm sát bên tường rào của Trường phổ thông dân tộc bán trú TH và THCS Ba Rền tại bản Khe Ngát, thị trấn Nông trường Việt Trung (Bố Trạch) là nơi cư ngụ của đôi vợ chồng người dân tộc Vân Kiều Hồ Văn Thiết và Hồ Thị Nhớ cùng các con nhỏ. Khi tôi cùng thầy giáo Hoàng Đức Hòa, Phó Hiệu trưởng nhà trường đến thăm thấy vắng lay lắt. Đợi một lúc lâu mới thấy người vợ trở về, trên vai gùi nặng những bông đót đầu mùa-lộc của rừng phía tây Trường Sơn.

 Người phụ nữ Vân Kiều tên Hồ Thị Nhớ (SN 1985), vợ của Hồ Văn Thiết (SN 1987) và là mẹ của ba đứa con đang còn rất nhỏ: Hồ Thị Cúc (SN 2004), Hồ Thị Kiều (SN 2006) và Hồ Thị Anh (SN 2007). Chị Nhớ cất gùi đót trên vai xuống đất rụt rè mời khách vào nhà. Gọi là nhà nhưng chỉ là túp lều rách nát, chắp vá, bị trận lốc xoáy năm 2017 tràn qua xô lệch về một phía. Tài sản trong nhà chẳng có một thứ gì giá trị.
 
Hồ Thị Nhớ bảo: “Tranh thủ mùa đót, hai vợ chồng vào rừng kiếm chút lộc về bán kiếm thêm đồng tiền trang trải cho cuộc sống. Một ngày đi từ sớm đến chiều, hai vợ chồng kiếm được nhiều thì một trăm nghìn đồng, ít thì năm chục nghìn”.
Ngôi nhà sàn rách nát của Hồ Văn Thiết.
Ngôi nhà sàn rách nát của Hồ Văn Thiết.

Trò chuyện với Nhớ một lúc thì Hồ Văn Thiết về. Cảm giác đầu tiên của chúng tôi về vợ chồng Thiết là cả hai còn rất trẻ, có sức khỏe… nhưng không hiểu sao lại nghèo “rớt mùng tơi”. Hồ Văn Thiết chân thành: “Em vốn là trẻ mồ côi, lớn lên nhờ sự cưu mang, đùm bọc của bà con trong bản Khe Ngát này.

Ngay cả ngôi nhà, bà con mỗi người một tấc lòng dựng nên nhưng không may bị lốc xoáy làm hư hỏng nặng. Cưới vợ, sinh được ba đứa con, đứa út Hồ Thị Anh mới đây đi khám bệnh viện phát hiện mắc bệnh suy thận, suy dinh dưỡng nặng. Hai vợ chồng không phải siêng ăn nhác làm mô, làm thuê, làm mướn, vào rừng hái mây, hái măng, lấy đót cũng chỉ đủ lo bữa ăn hàng ngày và lo thuốc thang, chữa bệnh cho con”.

Theo lời Hồ Văn Thiết, ngoài mảnh đất cắm dùi thì vợ chồng cũng như nhiều gia đình trong bản Khe Ngát mang tiếng gần rừng nhưng không có đất để trồng rừng, phát triển kinh tế hộ gia đình từ rừng. Mới đây, Nhà nước bàn giao cho bản Khe Ngát 20ha đất rừng, bà con họp lại để chia, nhưng chia mãi chẳng được vì diện tích ít quá.
 
Hỏi mơ ước của hai vợ chồng là gì, Hồ Văn Thiết đáp không chút lưỡng lự: “Một ngôi nhà nho nhỏ, kín đáo làm nơi che mưa, che nắng, cho các con tránh trú an toàn khi trái gió, trở trời. Em đã để dành sẵn một ít gỗ rồi, giờ nếu có khoảng 60 đến 70 triệu đồng là cất được nhà ngay. Một ngôi nhà sàn chừng 30m2, trụ bê tông, mái lợp tôn đơn giản thôi. Mà số tiền đó vợ chồng tích cóp cả đời cũng chẳng có được. Mong lắm sự giúp đỡ từ Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền và cộng đồng xã hội”.
Vợ chồng Hồ Văn Thiết và các con nhỏ.
Vợ chồng Hồ Văn Thiết và các con nhỏ.
Trưởng bản Khe Ngát Hồ Thanh Song chia sẻ cùng chúng tôi: “Đồng bào Vân Kiều bản Khe Ngát 100% hộ gia đình đều là hộ nghèo, gia đình Hồ Văn Thiết nghèo nhất trong số những hộ nghèo.
 
Bà con lo từng bữa ăn còn chật vật lấy chi mà giúp, dù vẫn thương thằng Thiết, con Nhớ và lũ trẻ. Nếu có chừng khoảng 70 triệu đồng bản Khe Ngát sẽ huy động ngày công sẵn sàng cất nhà mới cho hai vợ chồng nó. Mà vấn đề này chỉ trông chờ vào Nhà nước và xã hội thôi”.
 
Thầy giáo Hoàng Đức Hòa cho biết: “Nhà vợ chồng Thiết sát ngay bên trường, thương gia cảnh nghèo của họ nên nhà trường vận động cán bộ, giáo viên hàng năm đóng góp chia sẻ khó khăn cùng Thiết, lúc thì vài trăm nghìn tiền mặt, chục cân gạo hay áo quần cho bọn trẻ.
 
Nếu đủ kinh phí làm nhà, trường sẽ cố gắng huy động cán bộ, giáo viên góp ngày công với dân bản giúp vợ chồng Thiết. Hoàn cảnh đôi vợ chồng này quá xứng đáng nhận sự cưu mang từ cộng đồng xã hội”.

Mọi sự giúp đỡ, đóng góp xin liên hệ theo địa chỉ: Hồ Văn Thiết, bản Khe Ngát, thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

 

(Theo Báo Quảng Bình điện tử)