Hội nghị Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế khu vực Thái Bình Dương 
 Ngày 14/11/2018, Hội nghị Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm  đỏ khu vực Châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 10 đã bế mạc tại khách sạn Makati Shangrila, Manila sau 03 ngày tổ chức với nhiều phiên thảo luận sôi nổi. Hội nghị có sự tham gia của các đại biểu chính thức tới từ 47 Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ các nước khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và Trung Đông cùng các quan sát viên đến từ Hiệp Hội Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế, các Hội quốc gia tài trợ từ khu vực Châu Âu, Châu Mỹ, cơ quan chính phủ, các tập đoàn, công ty có quan hệ đối tác với Phong trào. Phó Chủ tịch Trần Quốc Hùng dẫn đầu Đoàn Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tham dự Hội nghị.
 Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương là khu vực năng động và đa dạng, với dân số hơn 5 tỷ người, chiếm 2/3 dân số thế giới. Mặc dù có nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, khu vực Châu Á-Thái Bình Dương phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, đó là tác động của biến đổi khí hậu, các trạng thái thời tiết cực đoan, tình trạng xung đột, bạo lực và nhiều loại bệnh dịch mới nổi cũng như sự gia tăng nhanh chóng tỷ lệ mắc các bệnh không truyền nhiễm.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Francesco Rocca, Chủ tịch Hiệp Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế dành những lời khích lệ, động viên cho Phong trào Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ khu vực. Ông đánh giá cao chủ đề của Hội nghị lần này “Huy động sự tham gia của cộng đồng địa phương vào các hoạt động nhân đạo trong một thế giới nhiều đổi thay nhanh chóng”. Nhu cầu hỗ trợ nhân đạo ở khu vực có xu hướng gia tăng, trở nên đa dạng hơn. Trong khi đó, các nhà tài trợ truyền thống chịu nhiều áp lực trong việc dành ngân sách cho viện trợ nhân đạo do gặp khó khăn từ sự trì trệ, thậm chí thoái triển của kinh tế cũng như vấn đề già hóa dân số trong nước. Lực lượng tình nguyện viên - nhân tố mang tính sống còn của Phong trào - đang có xu hướng giảm về số lượng và gia tăng độ tuổi, những người trẻ không còn quan tâm nhiều đến Phong trào.  Thêm vào đó là sự suy giảm lòng tin đối với các tổ chức hoạt động nhân đạo nói chung gây ảnh hưởng tới công tác vận động nguồn lực của Phong trào. Sự phát triển của khoa học công nghệ mang lại nhiều cơ hội nhưng đồng thời cũng mang lại những thách thức từ khoảng cách phát triển công nghệ số, từ lối sống thiên về các sinh hoạt trên mạng xã hội.

Phó Chủ tịch Trần Quốc Hùng tham gia phiên thảo luận xây dựng lộ trình hành động của tiểu khu vực Đông Nam Á

Làm thế nào để các Hội quốc gia nói riêng và Phong trào Chữ thập đỏ nói chung có thể tiếp tục thu hút được sự quan tâm, lòng tin yêu của người dân, đảm bảo hoạt động của mình tiếp tục đáp ứng tốt các nhu cầu của cộng đồng hiện nay cũng như bắt kịp những xu hướng thay đổi để đáp ứng tốt nhu cầu của cộng đồng trong tương lai? Làm thế nào để Hội quốc có thể tăng cường đội ngũ tình nguyện viên, định hướng cho công tác phát triển tình nguyện viên thời hiện đại ra sao? - Đây không phải là vấn đề riêng của các Hội quốc gia trong khu vực mà là vấn đề của Phong trào trên phạm vi toàn cầu.

Kết quả của Hội nghị góp phần quan trọng đối với Phong trào cũng như với mỗi Hội quốc gia do đây chính là thời điểm rà soát việc thực hiện Chiến lược 2020 của Hiệp Hội và các Hội quốc gia, xác định tầm nhìn và xây dựng chiến lược cho 10 năm tới - Chiến lược 2030.

Hội nghị được tổ chức thành công với sự ra đời của Tuyên bố Manila, thể hiện ý chí tập thể của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

(Theo Cổng thông tin Hội CTĐ Việt Nam)