Phát huy hiệu quả mô hình chốt sơ cấp cứu Chữ thập đỏ 

Tai nạn thương tích nói chung và tai nạn giao thông nói riêng trên toàn quốc và ở tỉnh Quảng Bình đang thực sự trở thành vấn đề bức xúc, gây nhiều tổn thất về tính mạng, tài sản của nhân dân. Hàng năm có tới hàng trăm người chết, bị thương vì tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt, thiên tai, thảm họa, bệnh tật. Vì vậy, sơ cấp cứu tại cộng đồng là một trong những nội dung trọng tâm ưu tiên trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam kể từ khi mới thành lập.

 

Tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu tại xã Sen Thủy

Khi tai nạn thương tích xảy ra, công tác sơ cấp cứu kịp thời và đúng cách tại nơi xảy ra tai nạn có vai trò quan trọng trong cứu sống nạn nhân, phòng tránh được những tổn thương, chấn thương thứ phát và giảm được chi phí điều trị cho người bị nạn. Tuy nhiên, trong thực tế nhận thức của người dân nói chung về sơ cấp cứu, phòng chống tai nạn thương tích, ý thức chấp hành Luật An toàn giao thông còn nhiều hạn chế. Hàng ngày chúng ta vẫn phải chứng kiến những ca tử vong đáng tiếc, do không được chăm sóc, sơ cứu và vận chuyển đúng cách trước khi đưa người bị nạn vào các cơ sở y tế.
         Trước tình hình đó, trong những năm qua, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình đã cùng với Ban an toàn giao thông tỉnh ký kết chương trình phối hợp Tuyên truyền an toàn giao thông và sơ cấp cứu nận nhân tai nạn giao thông tại cộng đồng giai đoạn 2014- 2018, đồng thời chỉ đạo Hội Chữ thập đỏ các huyện, thị, thành phố, các đơn vị trực thuộc tăng cường phối hợp với Ban ATGT cùng cấp tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ và nhân dân chấp hành pháp luật về ATGT, xây dựng cộng đồng an toàn tại các địa phương. Trên cơ sở chương trình phối hợp, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã phối hợp xây dựng được 3 điểm sơ cấp cứu với số lượng gần 100 tình nguyện viên tại xã Quảng Đông- huyện Quảng Trạch, xã Võ Ninh- huyện Quảng Ninh, xã Sen Thủy- huyện Lệ Thủy. Đây là những tuyến đường có lưu lượng phương tiện giao thông và người tham gia giao thông đông dễ xảy ra tai nạn, rủi ro cao. Sau khi thành lập, các thành viên trong đội đã được Hội Chữ thập đỏ tỉnh tập huấn và cấp chứng chỉ sơ cấp cứu để các thành viên có kỷ năng, kiến thức trong tổ chức các hoạt động sơ cấp cứu ban đầu, trợ giúp nạn nhân kịp thời hiệu quả khi tai nạn xảy ra. Bên cạnh đó Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã trao tặng túi thuốc sơ cấp cứu cho đội tình nguyện để trang bị thêm cơ sở vật chất, dụng cụ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Cấp chứng chỉ cho các học viên về kỹ năng sơ cấp cứu

Sau khi thành lập, các chốt sơ cấp cứu tai nạn giao thông đã đi vào hoạt động  hiệu quả, được bà con nhân dân đồng tình, ủng hộ. Đội tình nguyện viên đã kịp thời có mặt, tiến hành cấp cứu tại chỗ cho các trường hợp bị tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn. Hằng năm các chốt sơ cấp cứu đã giúp đỡ hành chục trường hợp bị tai nạn giao thông sơ cấp cứu trước khi chuyển vào các cơ sở y tế . Điển hình như chốt sơ cấp cứu ỏ Võ Ninh- Quảng Ninh mỗi năm giúp đỡ khoảng trên 30 trường hợp bị tai nạn giao thông thông qua số điện thoại thường trực của đội. Cùng với những hoạt động cụ thể trên, các tình nguyện viên cũng đã tích cực tuyên truyền đến cộng đồng dân cư nâng cao nhận thức về chấp hành ATGT và các kỷ năng, kiến thức sơ cấp cứu ban đầu thông qua ngày sơ cấp cứu thế giới và các hoạt động, sinh hoạt của đội.
             Có thể thấy rằng dù chỉ mới xây dựng được 3 điểm sơ cấp cứu trên địa bàn toàn tỉnh nhưng điểm sơ cấp cứu an toàn giao thông là một trong những mô hình hiệu quả của Hội chữ thập đỏ bởi mô hình đã mang lại hiệu quả và lợi ích thiết thực cho cộng đồng, giúp giảm thiểu hậu quả, thiệt hại về tính mạng, về của cải do TNGT gây ra trên các địa bàn trọng điểm về an toàn giao thông. Với những việc làm ý nghĩa, mô hình sơ cấp cứu TNGT đã nhận được sự quan tâm, đồng tình của cấp ủy, chính quyền, bà con nhân dân địa phương và ngày càng thu hút nhiều thành viên tham gia hoạt động. Tuy nhiên hiện nay, hoạt động của đội tình nguyện viên vẫn có một số khó khăn, đó là: điều kiện cơ sỏ vật chất, trang thiết sơ cứu  của các đội chủ yếu gắn với trang thiết bị của trạm y tế là chủ yếu chứ chưa được đầu tư đầy đủ; Lực lượng tình nguyện viên chưa được thường xuyên tập huấn cập nhật về công tác sơ cấp cứu, đặc biệt là việc tập huấn nhắc lại theo quy định.

Điểm sơ cấp cứu tai nạn giao thông tại xã Sen Thủy, huyện Lệ Thủy

Để phát huy hiệu quả các điểm sơ cấp này, trong thời gian tới Hội Chữ thập đỏ tỉnh sẽ tiếp tục cụ thể hóa chương trình phối hợp giữa Tỉnh Hội và Ban an toàn giao thông tỉnh trong từng năm gắn với việc rà soát hoạt động của các điểm sơ cấp cứu ATGT để có phương án tiếp tục hỗ trợ, cũng cố về cơ sở vật chất, trang thiết bị với mục tiêu là đáp ứng nhu cầu sơ cấp cứu nạn nhân tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn;  Tổ chức các lớp tập huấn nhắc lại kỹ năng sơ cấp cứu cho các tình nguyện viên để duy trì và phát triển các chốt sơ cấp cứu Chữ thập đỏ ngày càng hiệu quả.
đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền mô hình này trong hệ thống tổ chức Hội để nhân rộng thêm một số chốt sơ cấp cứu tại một số địa bàn trọng điểm về an toàn giao thông tại các huyện khác trong toàn tỉnh.

Bên cạnh đó Hội chữ thập đỏ đỏ tỉnh sẽ tăng cường chỉ tinh Hội Chữ thập đỏ các huyện, thị, thành phố, các đơn vị trực thuộc tuyên truyền rộng rãi kỹ năng sơ cấp cứu trong cộng đồng, để mỗi người dân đều có thể thực hành và vận dụng khi có tai nạn thương tích xảy ra và thường xuyên động viên, tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong tổ chức thực hiện, đặc biệt là lực lượng tình nguyện viên trực tiếp tham gia các hoạt động sơ cấp cứu cho nạn nhân khi tai nạn xảy ra nhằm nhân rộng các điển hình tiêu biểu.

Nguyễn Thị Minh

                                                                                                    Hội CTĐ tỉnh Quảng Bình