Hội thảo kỷ niệm 60 năm Việt Nam phê chuẩn các Công ước Geneva năm 1949 về Luật Nhân đạo quốc tế
Dự Hội thảo có PGS. TS Nguyễn Thị Xuân Thu, Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, ông Nguyễn Minh Vũ, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Ông Beat Schweizer, Trưởng đại diện khu vực của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế cùng đại diện các bộ, ban, ngành, một số học giả về luật quốc tế tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Minh Vũ, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, việc Việt Nam phê chuẩn các Công ước Geneva năm 1949 là dấu mốc lịch sử quan trọng, là minh chứng cho việc tôn trọng, thúc đẩy thực thi Luật Nhân đạo quốc tế nói riêng và luật pháp quốc tế nói chung trong chính sách của Việt Nam. Đồng thời, việc phê chuẩn các Công ước này có ý nghĩa trong việc đề cao truyền thống yêu chuộng hòa bình, nhân đạo và khoan dung của nhân dân Việt Nam.
Đại biểu tham dự Hội thảo kỷ niệm 60 năm Việt Nam phê chuẩn
các Công ước Geneva năm 1949 về Luật Nhân đạo quốc tế
Ông Nguyễn Minh Vũ nêu rõ: Hiện nay, những biến động về hình thái của các cuộc xung đột vũ trang, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, trong đó có sự phát triển của các công cụ, vũ khí hỗ trợ chiến tranh đang đặt ra những thách thức to lớn đối với việc giải thích và áp dụng các quy định của các Công ước này, vốn được dự thảo từ những năm của thế kỷ 19.
Bác sỹ Nguyễn Minh Tâm, đại diện Hội Hồng Thập tự Việt Nam đến thăm các tù binh và nói với họrõ lượng khoan hồng của Hồ Chủ Tịch, lòng nhân đạo của nhân dân Việt Nam đối với họ (ảnh sưu tầm)
Nữ Cứu thương Hồng Thập tự giúp đỡ tù binh Pháp
bị thương đưa lên máy bay trở về Hà Nội năm 1950 (ảnh sưu tầm)
Bộ đội Việt Nam cho tù binh Pháp uống nước trong chiến dịch 1951
Trong bối cảnh đó, Hội thảo không chỉ có ý nghĩa kỷ niệm dấu mốc quan trọng của Việt Nam trong việc tham gia các điều ước quốc tế đa phương, có tính chất toàn cầu mà còn là diễn đàn để các chuyên gia quốc tế và Việt Nam trao đổi về những phát triển mới nhất trong việc giải thích, áp dụng các quy định của Luật Nhân đạo quốc tế, những nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc thúc đẩy thực thi Luật Nhân đạo quốc tế trên thế giới.
Ông Beat Schweizer, Trưởng đại diện khu vực của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế
phát biểu tại Hội thảo
Ông Beat Schweizer, Trưởng đại diện khu vực của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế cho biết, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế đánh giá cao sự hỗ trợ tích cực và vai trò lãnh đạo của Việt Nam trong việc củng cố, phát triển hơn nữa Luật Nhân đạo quốc tế. Thời gian qua, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế đã thiết lập, duy trì quan hệ với các tổ chức dân sự, quân sự của Việt Nam nhằm thực thi Công ước Geneva. Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế mong muốn tiếp tục tăng cường đối thoại với Chính phủ Việt Nam về các vấn đề liên quan đến Luật Nhân đạo quốc tế.
Phát biểu tại Hội thảo, Bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam khẳng định: Hội Chữ thập đỏ Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và Người làm Chủ tịch danh dự đầu tiên của Hội. Năm 2017 là năm Hội Chữ thập đỏ Việt Nam kỷ niệm 60 năm ngày Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chính thức gia nhập Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (11/1957 – 11/2017) và 71 năm Ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (23/11/1946 – 23/11/2017). Trải qua hơn 71 năm xây dựng và phát triển Hội Chữ thập đỏ Việt Nam không ngừng trưởng thành về nhiều mặt. Hoạt động Hội đã và đang lôi cuốn được đông đảo các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và nhân dân ủng hộ, tham gia, góp phần tích cực trợ giúp những người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống, thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Việc kỷ niệm 60 năm Việt Nam gia nhập các Công ước Giơ-ne-vơ là dịp để Việt Nam, đặc biệt là Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đánh giá và nhìn lại các bước phát triển cũng như các hoạt động nhân đạo giúp đỡ những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội thông qua hệ thống tổ chức Chữ thập đỏ, mạng lưới cán bộ, tình nguyện viên đông đảo khắp cả nước. Việc giáo dục, tuyên truyền về Luật Nhân đạo quốc tế là một trong những nghĩa vụ cơ bản của các quốc gia khi tham gia các điều ước quốc tế. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục triển khai, phổ biến và tuyên truyền luật Nhân đạo quốc tế trong các lực lượng vũ trang, trong hệ thống Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cũng như các khoa luật tại các trường đại học tại Việt Nam.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong việc triển khai các Công ước Geneva năm 1949 trong thời kỳ chiến tranh, trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về Luật Nhân đạo quốc tế, thúc đẩy việc thực thi các quy định của các Công ước Geneva và những nội dung khác của Luật Nhân đạo quốc tế.
Cách đây 60 năm, ngày 5/6/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Công hàm tuyên bố Việt Nam gia nhập các Công ước Geneva năm 1949 về Luật Nhân đạo quốc tế, bao gồm: Công ước Geneva về việc cải thiện tình trạng của thương binh, bệnh binh thuộc lực lượng vũ trang chiến đấu trên bộ; Công ước Geneva về việc cải thiện tình trạng của những thương binh, bệnh binh và những người bị đắm tàu thuộc lực lượng hải quân; Công ước Geneva về việc bảo hộ thường dân trong chiến tranh; Công ước Geneva về đối xử đối với tù bình trong chiến tranh. Đến nay, các Công ước trên đã có 196 quốc gia thành viên; thuộc số ít các điều ước quốc tế được sự tham gia của đông đảo các quốc gia và được áp dụng trên phạm vi toàn cầu.
(Theo Hội CTĐ Việt Nam)