Tìm hiểu về lĩnh vực hoạt động: “Tìm kiếm tin tức thân nhân thất lạc” của Hội Chữ thập đỏ
Vừa qua, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế và Trung ương Hội CTĐ Việt Nam tổ chức Hội thảo “Tìm kiếm tin tức thân nhân trong tình huống khẩn cấp” tại TP Huế.
Mục tiêu của Hội thảo là giúp cán bộ Chữ thập đỏ hiểu rõ hơn khái niệm về Phục hồi mối liên lạc gia đình (Restoring Family Links viết tắt là RFL) sau thảm họa; chu trình triển khai RFL sau thảm họa; các hình thức tổ chức và hoạt động RFL; hình thành 01 nhóm chuyên gia kỹ thuật về RFL sau thảm họa tại Việt Nam.
Phục hồi liên lạc gia đình được thực hiện khi có thảm họa xảy ra như: động đất, sóng thần, lốc xoáy, bão, lũ lụt, xung đột vũ trang. Phục hồi liên lạc gia đình được thực hiện trong các trường hợp: phương tiện thông tin liên lạc bị gián đoạn; những người bị thương đã được sơ tán; những người dễ bị tổn thương bị chia cách; những người mất tích ... Các hoạt động của Phục hồi liên lạc gia đình nhằm làm giảm tình trạng căng thẳng gây ra bởi những thành viên trong gia đình bị chia cách bởi xung đột, thảm họa thiên nhiên hoặc di cư và các tình huống khác ... Phục hồi liên lạc gia đình trong thời điểm hiện tại được thực hiện bởi 8 thanh công cụ: 1) Điện thoại di động/điện thoại định vị 2) Nhắn tin CTĐ 3) Công bố danh sách 4) Công bố hình ảnh 5) Thông báo lưu động 6) Quản lý xác chết 7) Đoàn tụ gia đình 8) Yêu cầu tìm kiếm Phục hồi liên lạc gia đình là một lĩnh vực hoạt động của Ủy ban CTĐ quốc tế. Từ chiến tranh thế giới lần II, Ủy ban CTĐ quốc tế đã thành lập Cơ quan tìm kiếm trung ương (CTA) với cơ sở pháp lý: Các Công ước Geneva năm 1949 02 Nghị định thư bổ sung năm 1977 Điều lệ của Phong trào Một số Nghị quyết của hội nghị CTĐ-TLLĐ quốc tế. Các Công ước, Nghị định thư, Nghị quyết CTĐ khẳng định quyền của các gia đình và công việc của Hội quốc gia để biết số phận của người thân, để phục hồi liên lạc gia đình và phối hợp với các cơ quan chính phủ tìm kiếm những người bị mất liên lạc, để tạo điều kiện thuận lợi cho công việc của Trung tâm tìm kiếm Trung ương và của Hội quốc gia. Trong những năm qua, CTA phối hợp với các Hội quốc gia đã hoạt động tích cực, hiệu quả, kết nối liên lạc và giúp đoàn tụ gia đình ở các nước có xảy ra xung đột vũ trang, thảm họa thiên tai như: Libia, Nhật Bản, Thái Lan, Philippin, Ucraina ... Tại Việt Nam, năm 1987, để đáp ứng nguyện vọng tha thiết của những gia đình có thân nhân bị mất liên lạc do hoàn cảnh chiến tranh, theo tinh thần nhân đạo truyền thống của Phong trào Chữ thập đỏ, Hội CTĐ Việt Nam đã đề xuất và được Hội đồng Bộ trưởng cho phép thành lập Phòng tìm kiếm tin tức thân nhân (theo Quyết định số 03-CT ngày 02/01/1987 do Phó Chủ tịch nước Võ Chí Công ký). Tìm kiếm tin tức thân nhân là một trong những nhiệm vụ của Hội CTĐ Việt Nam nhằm góp phần thực hiện chính sách xã hội. Nhiệm vụ này được thể hiện rõ trong Điều lệ Hội ở khoản 1 Điều 4 và trong Điều 2, Điều 11 của Luật hoạt động Chữ thập đỏ. Điều 11 của Luật hoạt động Chữ thập đỏ nêu cụ thể: Hoạt động chữ thập đỏ về tìm kiếm tin tức thân nhân thất lạc do chiến tranh, thiên tai, thảm họa là hoạt động cung cấp thông tin về thân nhân hoặc hỗ trợ việc gặp gỡ, đoàn tụ cho cá nhân, gia đình bị thất lạc do chiến tranh, thiên tai, thảm họa ở trong nước và ở ngoài nước, bao gồm: 1) Tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, phạm vi của hoạt động chữ thập đỏ về tìm kiếm tin tức thân nhân; 2) Thu thập, xử lý, hỗ trợ việc trao đổi thông tin liên quan đến thân nhân của cá nhân, gia đình cần tìm kiếm tin tức trong trường hợp các kênh liên lạc thông thường bị gián đoạn; 3) Tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ cá nhân, gia đình, thân nhân của họ trong việc liên hệ, tiến hành các thủ tục cần thiết để sớm gặp gỡ, đoàn tụ gia đình. Từ năm 1987 đến nay, Phòng Tìm kiếm tin tức thân nhân (nay là Ban Đối ngoại & Phát triển Trung ương Hội) đã hỗ trợ cho 3.830 trường hợp cần tìm kiếm người thân và liên lạc gia đình. Theo dự báo, Quảng Bình là một trong số ít tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của quá trình biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Thiên tai ngày càng đa dạng, phức tạp với quy mô, mức độ và phạm vi ảnh hưởng ngày càng lớn, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của nhân dân. Quảng Bình cũng là tỉnh có số lượng người dân đi làm ăn, sinh sống ở nước ngoài khá đông. Từ thực tế đó, Phục hồi mối liên lạc gia đình (RFL) là một nội dung cần thiết trong Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó thảm hoạ của Hội CTĐ tỉnh Quảng Bình, là một phần của ứng phó thảm họa nhằm chủ động triển khai, hỗ trợ nhu cầu phục hồi mối liên lạc gia đình khi có thảm họa xảy ra. Các cấp Hội cần tuyên truyền cho hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên CTĐ hiểu tìm kiếm tin tức thân nhân thất lạc là một trong các nhiệm vụ của Hội đồng thời giúp nhân dân hiểu rõ: Hội CTĐ là một địa chỉ, một trong những kênh thông tin đáng tin cậy để hỗ trợ phục hồi mối liên lạc gia đình khi có thảm họa xảy ra. Trong tình huống khẩn cấp khi có thảm họa, đối tượng cần được trợ giúp liên hệ với cán bộ Hội CTĐ các cấp, với Ban Đối ngoại & Phát triển Trung ương Hội CTĐ Việt Nam (số điện thoại 04 3826 3703). Trần Thị Vân(Văn phòng Hội CTĐ tỉnh) |