Mô hình "Ngân hàng lợn giống" của hội CTĐ huyện Quảng Ninh
Nhờ đàn lợn có được từ mô hình "Ngân hàng lợn giống" của hội CTĐ huyện Quảng Ninh mà Tết nguyên đán Đinh Dậu năm nay, gia đình chị Lê Thị Mận ở thôn Tây, xã Võ Ninh có cái tết sung túc và đầy đủ hơn mọi năm.
Hưởng ứng cuộc vận động "Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo" và chương trình hành động của hội CTĐ huyện Quảng Ninh về "chung tay xây dựng nông thôn mới" giai đoạn 2015-2020. Cùng với các chương trình hỗ trợ sinh kế giúp người nghèo phát triển kinh tế bền vững, năm 2015, hội CTĐ huyện Quảng Ninh đã triển khai chương trình "Ngân hàng lợn giống" tại xã Võ Ninh. Đây là mô hình hỗ trợ sinh kế mang tính bền vững, phù hợp với điều kiện kinh tế và ngành nghề tại các vùng dân cư thuần nông ở huyện Quảng Ninh. Với mục đích hỗ trợ cho người nghèo nguồn vốn chăn nuôi ban đầu để tận dụng nông sản và các phụ phẩm gia đình nhằm phát triển kinh tế gia đình vươn lên thoát nghèo. Mức hỗ trợ ban đầu là một con lợn giống có trọng lượng từ 15-20kg, đảm bảo tiêu chuẩn lợn sinh sản và công tác thú y . Sau thời gian chăm sóc từ 9-10 tháng, con lợn sẽ sinh sản lứa đầu tiên. Lứa lợn con được gần 2 tháng, sẽ chọn một con lợn giống đẹp nhất, đảm bảo tiêu chí sinh sản bàn giao lại cho Hội CTĐ xã để trao tặng hộ hưởng lợi tiếp theo. Sau khi thực hiện cam kết, con lợn sinh sản ban đầu và những lứa lợn tiếp theo sẽ thuộc quyền sở hữu của người hưởng lợi. . Chị Nguyễn Thị Cúc: Chủ tịch hội CTĐ xã Võ Ninh cho biết: Thực hiện mô hình "Ngân hàng lợn giống" huyện, Hội chữ thập đỏ xã đã triển khai thực hiện nghiệm túc và đạt hiệu quả cao. Với quy mô ban đầu là 10 hộ hưởng lợn, Hội CTĐ xã đã tham mưu UBND xã thành lập Ban quản lý "Ngân hàng lợn" cấp xã, trong đó có sự tham gia của UBMTTQVN, Hội Nông dân, cán bộ thú y, đại diện Hội Chữ thập đỏ xã và chi hội trưởng CTĐ các thôn. Sau khi bình xét và kiểm tra điều kiện chăn nuôi của các hộ hưởng lợi Ban quản lý "Ngân hàng lợn" cấp xã niêm yết danh sách tại hội trường các thôn, đồng thời thông báo rộng rãi trên hệ thống truyên thanh thôn trước ngày cấp phát 1 tuần. Sau thời gian quy định không có ý kiến phản hồi của công dân, Ban quản lý “Ngân hàng lợn giống” xã báo cáo Hội CTĐ huyện để tiến hành trao lợn giống cho các hộ hưởng lợi. Sau 1 năm thực hiện, (tháng 12/2015- tháng 12/2016) mô hình "Ngân hàng lợn" của Hội Chữ thập đỏ đã mang lại hiệu quả đáng phấn khởi. Từ 10 hộ hưởng lợi ban đầu, đến nay đã có 15 hộ hưởng lợi, trong đó, mỗi con lợn giống sinh sản lứa đầu tiên từ 10-14 con. Sau khi thực hiện cam kết, đem bán số con lợn còn lại người hưởng lợi cũng thu được 10 triệu đồng trở lên. Mô hình Ngân hàng lợn giống đã mang lại hiệu quả thiết thực, được người nghèo phấn khởi và Chính quyền địa phương tinh nhiệm. Chị Lê Thị Mận, thôn Tây, xã Võ Ninh, là một gia đình thuộc diện cận nghèo của xã Võ Ninh, anh Hoàng Xuân Xướng và chị Lê Thị Mận có 3 người con, trong đó có một con đang học Đại học, 2 con học THCS và một mẹ già 87 tuổi cần được chăm sóc, anh, chị là lao động chính nhưng không có việc làm ổn định, lại thường xuyên ốm đau nên kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Ngoài những sào ruộng lúa và một ít diện tích rau màu, vợ chồng chị Mận cần mẫn đi làm khi có người thuê mướn với mong muốn kiếm thêm thu nhập để trang trải cuộc sống gia đình. Nhận được con lợn giống sinh sản từ Hội Chữ thập đỏ, vợ chồng chị Mận tận dụng các loại nông sản để cho lợn ăn. Sau gần 1 năm chăm sóc, con lợn đã sinh sản lứa đầu tiên với 13 con. Do lần đầu, còn thiếu kinh nghiệm trong chăm sóc lợn sinh sản, nên để lợn mẹ đè chết 2 con. Thực hiện cam kết khi nhận lợn giống, sau gần 2 tháng chăm sóc, anh, chị vui vẽ chọn con lợn giống đẹp nhất để chuyển giao cho hộ hưởng lợi tiếp theo. Con lợn cái và 10 con lợn con còn lại thuộc sở hữu của gia đình chị. Và, Tết nguyên đán Đinh Dậu năm nay, chị bán bớt 3 con lợn lứa để sắm tết, số còn lại tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng để dành nộp học phí kỳ 2 cho các con. Chị phấn khởi nói. "Nhờ đàn lợn có được từ mô hình "Ngân hàng lợn giống" của hội CTĐ huyện Quảng Ninh mà Tết nguyên đán Đinh Dậu năm nay, gia đình tôi có cái tết sung túc và đầy đủ hơn mọi năm".
Chị Lê Thị Mận bên đàn lợn của mình Cũng như chị Mận, gia đình chị Nguyễn Thị Thanh, một phụ nữ nuôi 2 con đại học, ngoài làm ruộng chị Thanh không có việc làm thêm, nhờ con lợn giống sinh sản của Hội CTĐ hỗ trợ, chị tận dụng nông sản làm ra và tiết kiệm các loại thức ăn thừa của làng xóm để nuôi lợn, con lợn giống ban đầu đã sinh sản được 10 con, ngay trước tết nguyên đán Đinh Dậu, đàn lợn 10 con vừa tròn 2 tháng tuổi, sau khi thực hiện nghĩa vụ cam kết, chị Thanh bán số lợn giống còn lại cũng được trên 10 triệu đồng. Hiện nay, con lợn mẹ tiếp tục chửa lứa thứ hai
Chị Thanh bàn giao con lợn giống sinh sản F2 cho hộ nghèo tiếp theo. Ông Phạm Văn Dần- Phó Chủ tịch UBND xã Võ Ninh đánh giá: Mô hình "Ngân hàng lợn" của Hội Chữ thập đỏ là một mô hình sinh kế có tính bền vững và phát huy hiệu quả lâu dài cần được nhân rộng. "Ngân hàng lợn" phù hợp với điều kiện địa lý cũng như việc hỗ trợ xóa đói giảm nghèo ở xã thuần nông như Võ Ninh. Với những hộ nghèo và cận nghèo, ngoài trồng lúa và các loại cây rau màu, các phụ phẩm nông sản nếu không đầu tư chăn nuôi lợn thì cũng bỏ đi, vừa lãng phí lại ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, chăn nuôi lợn trong khu dân cư cũng gặp không ít khó khăn, cần được quy hoạch rõ ràng và các hộ chăn nuôi cũng cam kết đảm bảo vệ sinh môi trường chung. Đặc biệt, những hộ gia đình được hỗ trợ con giống phải thực hiện cam kết của chương trình, để mô hình "Ngân hàng lợn" của Hội Chữ thập đỏ huyện Quảng Ninh được phát huy hiệu quả và tiếp tục nhân rộng đến các địa phương khác./. |