"NGÂN HÀNG BÒ" - MÔ HÌNH SINH KẾ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ( Của Hội Chữ thập đỏ xã Xuân Hóa- Minh Hoá- Quảng Bình) 

 Minh Hóa là một trong số 62 huyện nghèo của cả nước, trong đó xã Xuân Hóa thuộc diện xã đặc biệt khó khăn, đất đai sản xuất nông nghiệp rất ít, không đảm bảo cho cuộc sống, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Để thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững, năm 2010 Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã triển khai thực hiện dự án "Ngân hàng bò" tại 5 xã nghèo thuộc huyện Minh Hóa (Xuân Hóa, Trung Hóa, Tân Hóa, Hóa Hợp, Yên Hóa). Mục tiêu chung của dự án là giúp đỡ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn phát triển chăn nuôi bò giống, phục hồi sinh kế, từng bước vươn lên thoát nghèo. Ở mô hình "Ngân hàng bò", mỗi hộ gia đình nghèo được tặng 01 con bò giống trị giá (tại thời điểm năm 2010) là 7 triệu đồng từ kinh phí của Hội Chữ thập đỏ. Bò giống sau khi nuôi nếu đẻ lứa bê đầu là bê cái thì hộ hưởng lợi tiếp tục chăm sóc cho đến 10 tháng tuổi, sau đó sẽ chuyển giao bê con này cho hộ nghèo khác nuôi (nếu là bê đực thì Hội CTĐ huyện sẽ chịu trách nhiệm bán bê con đó cho đủ số tiền để mua 01 con bê cái giao cho hộ nghèo ), họ được toàn quyền sử dụng con bò giống ban đầu cho phát triển kinh tế của gia đình mình và cứ tiếp tục theo chu trình như vậy, số lượng bò giống sẽ được gia tăng, đồng nghĩa với việc ngày càng có rất nhiều hộ gia đình khác trong địa phương sẽ được trợ giúp. Tiêu chí để lựa chọn đối tượng hưởng lợi là những hộ nghèo nhưng phải có lực lượng lao động, có đủ điều kiện về chuồng trại và lao động để chăn nuôi...

 Tại xã Xuân Hóa, được cấp 20 con bò cho 20 hộ hưởng lợi, với tổng số tiền là 140 triệu đồng. Khi nhận được Kế hoạch, được Đảng ủy, UBND xã giao trách nhiệm, BCH Hội CHữ thập đỏ xã vô cùng trăn trở để tìm biện pháp làm sao cho dự án “Ngân hàng bò” đạt hiệu quả thiết thực nhất. BCH Hội Chữ thập đỏ xã đã tiến hành họp và tham mưu cho Thường vụ Đảng ủy, UBND xã thành lập ban quản lý dự án “Ngân hàng bò” cấp xã, do trực tiếp đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã làm phó ban và các đoàn thể trong xã là ban viên như: Hội LHPN, Đoàn thanh niên, Hội Nông dân, Ban Công tác Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã. Giao cho Ban quản lý dự án phân bổ chỉ tiêu cho từng thôn tiến hành bình chọn hộ hưởng lợi, Ban quản lý dự án xã luôn trực tiếp tham dự các phiên họp của các thôn để tiến hành lựa chọn các hộ hưởng lợi theo đúng tiêu chí của dự án, họp, thống nhất danh sách các hộ hưởng lợi, tiến hành niêm yết công khai danh sách các hộ hưởng lợi tại xã và ở các thôn.
Sau khi bàn giao bò cho các hộ hưởng lợi, Ban quản lý dự án thường xuyên kiểm tra việc nuôi dưỡng và chăm sóc bò của các hộ hưởng lợi. Giao cho các Chi Hội trưởng là những tình nguyện viên đầy nhiệt tình và tâm huyết với phong trào Hội tham gia giám sát việc nuôi bò, tình trạng của các con bò giống của các hộ hưởng lợi.
Khi bò giống sinh sản và bê đã đủ tháng tuổi để bàn giao theo quy định, Ban quản lý và Hội CTĐ xã báo cáo lên Hội CTĐ huyện để tiến hành tổ chức bàn giao cho hộ hưởng lợi mới. Tiến hành xét đối tượng hưởng lợi theo quy định và mời Hội CTĐ huyện, lãnh đạo địa phương tiến hành trao bò giống cho hộ hưởng lợi mới. Điều khó khăn ở đây, đó là, một số người hưởng lợi lần đầu không đồng ý giao bò giống mặc dù đã chấp nhận theo cam kết với Ban quản lý dự án và Hội CTĐ khi mới bắt đầu được nhận bò, đặc biệt là trong giai đoạn chuyển lứa bê đầu tiên. Để giải quyết vấn đề đó, Ban quản lý dự án và Hội CTĐ đã làm tốt công tác “ Dân vận khéo”, tích cực tuyên truyền, thuyết phục và đã được sự đồng thuận của các hộ dân và các hộ cùng hưởng lợi.
Sau 5 năm thực hiện, dự án "Ngân hàng bò" tại địa phương chúng tôi đã đạt được kết quả đáng mừng. Từ chỉ mới ban đầu là 20 con bò giống với 20 hộ hưởng lợi thì đến nay, trên địa bàn xã đã phát triển lên 73 con trong đó, rất nhiều hộ gia đình có từ 4-6 con bò của dự án. Và đã có thêm 11 hộ hưởng lợi mới thế hệ thứ 2 và 6 hộ hưởng lợi qua thế hệ thứ 3, trong 20 hộ hưởng lợi ban đầu, đã có 4 hộ đã thoát nghèo bền vững, có hộ đã phát triển số lượng bò của mình gia đình lên 6 con đã xóa được nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng như gia đình bà Đinh Thị Đắc, bà Đắc tâm sự: nếu không có dự án “Ngân hàng bò” hỗ trợ cho gia đình tôi thì không bao giờ gia đình tôi thoát được nghèo. Gia đình bà đã bán 02 con bò và tiến hành vay thêm ít tiền xây dựng được nhà cấp 4. Hiện tại gia đình bà còn 04 con bò và còn rất rất nhiều hộ hưởng lợi đều đã vươn lên thoát được nghèo nhờ được hổ trợ từ dự án “Ngân hàng bò”của Hội Chữ thập đỏ.Việc triển khai thực hiện dự án "Ngân hàng bò" tại địa phương chúng tôi được thực hiện công khai, minh bạch, theo đúng quy trình hướng dẫn của tỉnh Hội, huyện Hội. Cấp ủy, chính quyền và người dân rất vui mừng đánh giá: đây là một sự trợ giúp rất thiết thực, hiệu quả, bền vững, đã góp phần cùng xã đưa nền kinh tế xã phát triển đi lên.
Dự án "Ngân hàng bò" có được kết quả nêu trên là nhờ sự đóng góp công sức chung của các cấp Hội Chữ thập đỏ. Trước hết do có sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn tích cực của tỉnh, huyện Hội. Bên cạnh đó, nhờ đội ngũ cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ của xã nhiệt tình trách nhiệm và có có nhiều kinh nghiệm. Nhân tố quan trọng góp phần vào kết quả trên là sự quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện của Đảng ủy, UBND xã. Hơn nữa, đó là sự đóng góp của những người dân trong xã, họ đã chấp thuận và đồng tình, ủng hộ; người hưởng lợi đã chủ động và nổ lực vươn lên.
Qua 5 năm thực hiện dự án, BQL ngân hàng bò xã chúng tôi rút ra được một số kinh nghiệm như sau:
- Ban quản lý dự án “Ngân hàng bò” thường xuyên tham mưu đắc lực cho Thường vụ Đảng ủy, UBND xã, để có biện pháp chỉ đạo, xử lý các trường hợp phát sinh như hộ hưởng lợi tự ý bán bò, đổi bò, không thực hiện cam kết với dự án.
- Ban quản lý dự án thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đoàn thể từ xã đến thôn tạo nên sự giúp đỡ lẫn nhau trong việc thực hiện dự án.
- Đưa vào nội dung thi đua hằng năm để bình xét, khen thưởng các chi hội thường xuyên quan tâm đến dự án.